Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại siêu thị ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 10/5/2022.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 17/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 521.424.963 ca, trong đó có tổng cộng 6.288.874 người tử vong.

Ngày 16/5, thế giới có 62 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 41 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế giảm dần.

Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 24 giờ qua, Đài Loan (Trung Quốc) là nơi ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 61.000 ca), trong khi Italy là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 102 ca.

Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 48 ca tử vong. Trong ngày 16/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 5.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (40 ca).

Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Philippines vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Việt Nam và Thái Lan.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã họp khẩn ngày 15/5 nhằm thảo luận các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra chỉ thị lập tức ổn định nguồn cung dược phẩm tại thành phố Bình Nhưỡng, với sự tham gia của các lực lượng quân y của Quân đội Nhân dân Triều Tiên. Ông Kim Jong-un nêu rõ thực trạng thuốc chưa được cung ứng đầy đủ cho các nhà thuốc dù Bộ Chính trị đã ban hành lệnh khẩn cấp, lập tức giải phóng cũng như cung ứng kịp thời kho thuốc dự trữ nhà nước và yêu cầu tất cả các nhà thuốc chuyển sang hoạt động 24/24h. Cùng ngày 15/5, Triều Tiên công bố thêm 8 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 50 người và hơn 392.920 người có triệu chứng sốt.

Ngày 16/5, một quan chức thành phố Thượng Hải cho biết trung tâm tài chính của Trung Quốc này đặt mục tiêu từ ngày 1/6 tới trở lại cuộc sống bình thường, sau khi tuyên bố 15 trong số 16 quận trên địa bàn thành phố không còn ca mắc COVID-19 bên ngoài các khu cách ly.

Chú thích ảnh
Người dân quét mã sức khỏe trước khi vào một siêu thị ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 9/5/2022.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hằng ngày, Phó Thị trưởng Thượng Hải Zong Ming công bố kế hoạch đưa thành phố 25 triệu dân này trở lại cuộc sống bình thường sau hơn 6 tuần áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 1/6 khôi phục cuộc sống bình thường; từ ngày 16/5, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại. Thành phố cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt.

Giới chức Thượng Hải tuyên bố đã kiểm soát được dịch COVID-19 song mục tiêu đến ngày 21/5 là ngăn số ca mắc bùng phát trở lại, theo đó một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì. Việc xóa bỏ các ca mắc COVID-19 ngoài các khu vực cách ly là điều kiện then chốt để Trung Quốc khôi phục cuộc sống bình thường sau đại dịch.

Tại châu Âu, Thụy Sĩ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, bao gồm cả tiêm vaccine cho trẻ em. Trong khi một số quốc gia khác vẫn còn duy trì các biện pháp hạn chế, Thụy Sĩ đã sớm học cách sống chung với dịch COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và không có gia tăng đột biến về số ca nguy kịch.

Quy định cách ly 5 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng đã kết thúc vào ngày 31/3. Chính phủ Thụy Sĩ cũng tạm ngừng ứng dụng Swiss COVID xác định những người có tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cũng không còn giới hạn về quy mô các cuộc họp riêng và các sự kiện lớn không còn phải xin phép.

Trao đổi với báo giới, người đứng đầu cơ quan quản lý khủng hoảng tại Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH) Patrick Mathys nhận định nhờ mức độ miễn dịch cao, số lượng ca bệnh nặng hiện không có nguy cơ gây quá tải cho các cơ sở y tế. Sự lây lan hiện tại của virus SARS-CoV-2 không được thể hiện nhiều qua các dữ liệu do có nhiều trường hợp nhiễm không được báo cáo, tuy nhiên tỷ lệ nhập viện giảm cho thấy dịch bệnh diễn biến theo hướng tích cực hơn.

Tới nay Thụy Sĩ đã phê duyệt 4 loại vaccine, gồm vaccine của Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (J&J) và Nuvaxovid. Các cơ quan y tế Thụy Sĩ khuyến nghị người dân nên tiêm vaccine công nghệ mRNA (của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna) để có thể tạo lớp bảo vệ tốt hơn chống lại bệnh COVID-19 và những hậu quả tiềm ẩn sau này.

Dựa trên cơ sở dữ liệu thu thập từ nước ngoài và mô hình nghiên cứu, chuyên gia dịch tễ Dion O'Neale thuộc trung tâm nghiên cứu Te Pūnaha Matatini cho rằng khoảng 50% dân số New Zealand có thể đã mắc COVID-19.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Tính đến ngày 15/5, New Zealand đã ghi nhận tổng cộng 1.039.575 người mắc COVID-19. Chuyên gia O'Neale cho rằng ước tính của chính phủ về số ca mắc COVID-19 có thể thấp hơn thực tế và đến thời điểm này có lẽ khoảng một nửa dân số hơn 5 triệu người của New Zealand đã mắc bệnh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc một nửa dân số mắc COVID-19 không có nghĩa là nửa còn lại sẽ mắc bệnh, một phần là do hầu hết những người chưa mắc COVID-19 vẫn đang thận trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát triển một loại vaccine tiềm năng dạng hạt nano mosaic có thể ngăn ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2.

Nhóm nhà khoa học tại Đại học Tôn Trung Sơn, Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Y Quảng Châu và Trung tâm Ngăn ngừa, Kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Quảng Đông, đã bào chế vaccine dạng hạt nano mosaic hóa trị bốn, trong đó có chứa các protein gai của chủng virus SARS-CoV-2 gốc và 3 biến thể lớn gồm Alpha, Beta và Gamma.

Protein gai của chủng virus này được coi là đóng một vai trò quan trọng trong việc bám dính và liên kết với tế bào của vật chủ. Do đó, phần lớn các kháng thể vô hiệu hóa khả năng lây lan của virus đều nhắm tới loại protein này.

Tuy nhiên, các đột biến từ các biến thể của virus SARS-CoV-2 phân bố rộng trên protein gai dẫn tới khả năng kháng kháng thể lớn cùng khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch được hình thành từ các huyết thanh sản sinh ra sau khi tiêm vaccine phòng bệnh, từ đó tạo thêm rào cản đối với hiệu quả của các vaccine hiện có.

Theo nghiên cứu mới nói trên, hạt nano trong loại vaccine thử nghiệm này đã được chứng minh là có khả năng tạo ra các kháng thể trung hòa tương đương hoặc vượt trội ngăn ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 sinh sôi ở chuột và các loài linh trưởng không phải con người với chỉ mức giảm nhỏ nồng độ trung hòa chủng virus gốc.

Các nhà nghiên cứu cũng đã thử nghiệm vaccine dạng này để ngăn ngừa các biến thể Omicron và Lambda của virus SARS-CoV-2. Theo đó, hai biến thể chỉ làm giảm nhẹ hiệu quả trung hòa của huyết thanh được sản sinh ra sau tiêm vaccine. Điều này cho thấy huyết thanh mới có được sau tiêm loại vaccine dạng hạt nano ghép mảnh có thể tạo ra các phản ứng bảo vệ lớn trước các biến thể đang lưu hành hiện nay.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 lên xe cứu thương tại thành phố Melbourne, Australia.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện trên đã cung cấp bằng chứng về nguyên tắc cho việc phát triển các loại vaccine đa hóa trị phòng dịch COVID-19 và các biến thể tiềm tàng có thể xuất hiện trong tương lai.

Những người đã tiêm phòng COVID-19 và sau đó bị nhiễm biến thể Omicron có thể có kháng thể chống lại một loạt biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Hai nghiên cứu công bố mới đây cho thấy ở những người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc COVID-19, việc nhiễm virus SARS-CoV-2 thậm chí còn tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với tiêm mũi vaccine tăng cường. Theo đó, hàng triệu người đã tiêm phòng COVID-19 và sau đó nhiễm biến thể Omicron có thể sẽ không sớm bị nhiễm các biến thể khác và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Các kết quả này được các nhà nghiên cứu tại công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và Đại học Washington (Mỹ) công bố trên trang bioRxiv, kho tư liệu đăng các nghiên cứu chưa được chứng thực./.