![]() |
Việt Nam đang có những cải tổ nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh tư liệu |
Đây là một chủ đề được thảo luận tại Diễn đàn khoa học với chủ đề “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045” do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 15/7.
Việt Nam phải đổi mới mô hình tăng trưởng
Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, mô hình tăng trưởng Việt Nam hiện nay có những đặc điểm lớn là: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất khẩu dẫn dắt, với mức độ mở thương mại lớn nhất thế giới trong số nước dân số trên 10 triệu dân; tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, giá nhân công rẻ; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tăng trưởng dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những cải tổ nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đây là những chính sách góp phần thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém, bị kìm hãm.
Nhận định về nguy cơ với kinh tế Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ rơi vào tình trạng không trì trệ nhưng cũng chưa bứt phá; không còn đói nghèo, nhưng cũng chưa giàu mạnh. Đây chính là dấu hiệu của “bẫy thu nhập trung bình”, tình trạng mà hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn chưa thể vượt qua.
Từ thực tiễn này và kinh nghiệm của các nền kinh tế từng có hoàn cảnh tương đồng, TS. Lê Xuân Sang cho rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao và trở thành nước thu nhập cao, Việt Nam buộc phải đổi mới mô hình tăng trưởng.
Điểm thuận lợi hiện nay, là Việt Nam đang thực hiện các cuộc “đại phẫu” theo trường phái “Big bang” (liệu pháp mạnh) giúp phá vỡ kết cấu thể chế, cơ cấu nền kinh tế theo mô hình cũ. Tuy vậy, sau “Big bang” đòi hỏi có sự can thiệp hữu hiệu của Nhà nước nhằm tăng hiệu quả và giảm các nỗi đau “đại phẫu”. Điều này đòi hỏi tính chuyên nghiệp và có lộ trình cụ thể, tiên liệu rõ ràng hơn, tính đến các hệ quả của Big bang, sự hồi phục cơ cấu bộ máy nhà nước cũng như cơ cấu kinh tế địa phương.
Đi vào các chính sách cụ thể, TS. Lê Xuân Sang kiến nghị giải pháp phát triển kinh tế tư nhân với việc hỗ trợ các doanh nghiệp đủ năng lực tham gia vào các dự án hạ tầng lớn, tăng mối liên kết kinh doanh hữu hiệu giữa doanh nghiệp, Chính phủ, các viện, trường.
Đồng thời, nghiên cứu để tham gia điều chỉnh/kiến tạo các chuỗi cung ứng mới sau cuộc chiến thuế quan; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường và nhân tố sản xuất khác, gắn kết với việc thực thi FTA.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát hành các quỹ quốc gia theo hướng tăng vốn mồi cho những quỹ, doanh nghiệp khó khăn, nhất là quỹ đầu tư mạo hiểm, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu giảm mạnh các quỹ tài chính ngoài ngân sách không hiệu quả.
Quản lý ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn đến chính sách
Phân tích mô hình và kinh nghiệm thực tiễn của các nền kinh tế tương đồng, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho rằng, Hàn Quốc và một số nền kinh tế trong khu vực là những mô hình Việt Nam có thể tham khảo.
Về thể chế, vấn đề quan trọng là thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và tạo cơ hội phát triển cho các thành phần doanh nghiệp rộng rãi. Đặc biệt, cần nhận diện và quản lý ảnh hưởng của doanh nghiệp lớn đến chính sách. Doanh nghiệp lớn có thể là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp tư nhân.
Đối với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chuyên gia của ADB cho rằng không nhất thiết phải hỗ trợ đối tượng cụ thể, nhưng các chương trình hỗ trợ phải được thực hiện hiệu quả hơn dựa trên kết quả, chứ không phải lựa chọn đối tượng để hỗ trợ.
Trong nghiên cứu phát triển, ông Hùng kiến nghị không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Hiện nay, Việt Nam có thể mới chỉ tập trung vào việc bắt kịp công nghệ của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế thông qua tiếp thu công nghệ. Nhưng để đạt được các bước tiến về đổi mới sáng tạo, phải đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để cạnh tranh được với thế giới.
Để thúc đẩy cơ chế khởi nghiệp, ông Hùng đề xuất không lựa chọn ngành nghề mà mở rộng đa dạng kinh tế. Hiện nay, ở mức thu nhập 4.000 - 5.000 USD/người/năm, Việt Nam có thể chưa có những ngành mới như phẫu thuật thẩm mỹ, phim ảnh, âm nhạc như Hàn Quốc. Nhưng với cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp và mở rộng đa dạng kinh tế, đây có thể là những ngành phát triển mạnh trong tương lai.
Không thể phát triển nhảy vọt bằng một vài chính sách đơn lẻ Kinh nghiệm thế giới cho thấy, phát triển là một quá trình tiến hóa, không thể nhảy vọt bằng ý chí hay một vài chính sách đơn lẻ. Trong số 134 quốc gia thu nhập trung bình vào năm 1990, chỉ có 34 quốc gia bước vào nhóm thu nhập cao tính đến năm 2023. Trong số đó, gần 1/3 được hưởng lợi từ tài nguyên (dầu mỏ) hoặc hội nhập đặc biệt (vào EU). Hàn Quốc là bài học kinh điển cho chiến lược 3 bước: đầu tư - hấp thụ công nghệ - đổi mới sáng tạo. Ngược lại, Brazil không thực sự thành công khi đốt cháy giai đoạn, cố gắng đổi mới sáng tạo khi chưa đủ nền tảng hấp thụ công nghệ. “Điều này cho thấy Việt Nam phải đi bằng một chiến lược có thể rút ngắn, nhưng không nóng vội”. TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định. |