*PV: Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua, ông có chia sẻ gì về sự phát triển của thị trường?

Ông Kojima Kazunobu: Trên cơ sở Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011-2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang từng bước đổi mới vững chắc, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Chúng tôi tin rằng Việt Nam đã thành công trong việc củng cố chức năng của thị trường chứng khoán và tăng cường chiều sâu cơ sở các nhà đầu tư. Đặc biệt, kể từ năm 2019, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán vẫn tăng đều và số lượng tài khoản chứng khoán đã vượt ngưỡng 3 triệu vào năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, Luật Chứng khoán mới đã được ban hành năm 2019 cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của thị trường Việt Nam và luật này cũng như các nghị định và thông tư hướng dẫn đã bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021. Thêm vào đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng đã được thành lập, góp phần kiện toàn chức năng của thị trường chứng khoán. Chúng tôi cho rằng, khuôn khổ thúc đẩy chiến lược phát triển thị trường chứng khoán mới đã được thiết lập hiệu quả hướng tới 2030.

Chúng tôi mong muốn sẽ được đóng góp vào sự phát triển và củng cố nhận diện thị trường chứng khoán Việt Nam như một thị trường quốc tế, thông qua các dự án của JICA.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn
Ông Kojima Kazunobu.

*PV: So với khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường non trẻ. Ông nhận định thế nào về những thách thức đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới? Việt Nam cần làm gì để giải quyết được những thách thức này?

Ông Kojima Kazunobu: Với sự ra đời của khung pháp lý theo Luật Chứng khoán mới và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, cơ sở hạ tầng của thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển đáng kể. Chức năng của thị trường dự kiến sẽ được củng cố nhờ năng lực giám sát và quản lý thị trường của UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán cũng được nâng cao. Từ quan điểm phát triển hướng tới trở thành một thị trường có giá trị quốc tế, chúng tôi cho rằng thách thức cơ bản đối với thị trường chứng khoán Việt Nam là làm thế nào để “nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết” và “gia tăng dòng vốn vào thị trường”.

Về “chất lượng của các công ty niêm yết”, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn được các doanh nghiệp có năng lực tốt tại thời điểm niêm yết, vì rất khó để cải thiện một công ty có khả năng kinh doanh kém sau khi niêm yết. Chúng tôi muốn đề xuất áp dụng "bảo lãnh phát hành và dựng sổ trong IPO" và "thẩm định (niêm yết) định tính". "Bảo lãnh phát hành và dựng sổ trong IPO" là cách thị trường Việt Nam có thể áp dụng quy trình IPO chuẩn quốc tế, trong đó một công ty chứng khoán (công ty bảo lãnh phát hành chính) tiến hành thẩm định đầy đủ và tiếp thị cho các nhà đầu tư mục tiêu (quảng bá lưu động/ roadshows...), đồng thời dựng sổ để xác định giá chào bán.

Bên cạnh đó cũng cần tăng cường năng lực của các công ty chứng khoán và áp dụng phí bảo lãnh phát hành. Thiết lập quy trình này sẽ tránh được việc chào bán công khai/ niêm yết các công ty năng lực kém. Quy trình cũng dự kiến ngăn ngừa các vấn đề như giao dịch không công bằng và vi phạm công bố thông tin. Đối với việc "thẩm định (niêm yết) định tính", sở giao dịch sẽ xác nhận "chất lượng" của công ty đăng ký niêm yết, từ đó các công ty không đủ năng lực quản lý trong công tác "công bố thông tin", "quản trị", "tuân thủ" có thể sẽ không được chấp thuận niêm yết.

Về việc "tăng dòng vốn", sự phát triển của các nhà đầu tư tổ chức trong nước là vấn đề quan trọng nhất, theo quan điểm chúng tôi. Nguồn vốn cho các nhà đầu tư tổ chức trong nước đến từ tài sản hưu trí hoặc quỹ thặng dư cá nhân. Hiện nay, việc đầu tư cổ phần của các nhà đầu tư cá nhân đang mở rộng vững chắc, nên chúng tôi tin rằng việc củng cố hệ thống hưu trí và xây dựng khung khổ cho các nhà đầu tư tổ chức quản lý các quỹ hưu trí là thách thức hàng đầu. Để tích lũy tài sản quốc gia nội địa trong bối cảnh giá trị thị trường chứng khoán gia tăng khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng, việc phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước bằng cách mở rộng hệ thống hưu trí là một vấn đề nên được giải quyết.

“Nâng hạng lên thị trường chứng khoán quốc tế” là mục tiêu và cũng là thách thức lớn tiếp theo đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chúng tôi tin rằng nếu Việt Nam giải quyết được vấn đề “chất lượng” và “số lượng” nêu trên thì mục tiêu này sẽ tự nhiên thành hiện thực. Thêm vào đó, theo phân loại thị trường mới nổi của MSCI, chúng tôi cho rằng giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) là vấn đề quan trọng nhất.

*PV: Với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 trong 2 năm qua, ông kỳ vọng gì về sức mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những năm tiếp theo?

Ông Kojima Kazunobu: Phản ứng đầu tiên của thị trường chứng khoán toàn cầu đối với dịch bệnh Covid-19 là bán ra, nhưng nhiều thị trường đã phục hồi nhanh chóng. Trong số đó, Việt Nam đã thể hiện phong độ rất tốt và chỉ số VN Index có thời điểm đã tăng đến khoảng 1.400 điểm. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân trước hết là “nền tảng cơ bản vững chắc của nền kinh tế Việt Nam” và thứ hai là “quan hệ cung cầu”, trong đó dòng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục gia tăng trên thị trường chứng khoán kém thanh khoản. Do những yếu tố này được dự đoán sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai và dòng vốn ngoại dự kiến sẽ tăng, chúng tôi cho rằng thị trường Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong dài hạn, kể cả khi có những thời điểm lên xuống do môi trường thị trường.

*PV: Xin cảm ơn ông!

“Hỗ trợ Việt Nam, JICA đang triển khai dự án “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” được xây dựng dựa trên thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản (thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA) năm 2018. Dự án khởi động vào tháng 3/2019, dự kiến triển khai trong 3 năm. Dự án hiện đang trong quá trình gia hạn thêm một năm, tới tháng 3/ 2023. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chuyển bước đến một hệ thống pháp lý và cấu trúc thị trường mới, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để cộng tác nhằm tối ưu hóa sự phát triển của thị trường Việt Nam” – ông Kojima Kazunobu cho biết.