Phối hợp, đôn đốc thu hồi nợ đọng gần 500 tỷ đồng

Trước bối cảnh vi phạm pháp luật ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp, trên cơ sở hiệu quả đạt được trong công tác phối hợp, đầu năm 2022 Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN (Quy chế 01).

Để đánh giá tình hình triển khai thực hiện Quy chế 01, ngày 24/9/2022, Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 472/KHKT-BCA-BHXHVN về việc kiểm tra kết quả thực hiện quy chế này. Theo đó, từ ngày 3/10 - 18/10/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã thực hiện kiểm tra tại 6 tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Giang.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, nhìn chung, cơ quan công an và cơ quan BHXH các địa phương đã nghiêm túc triển khai Quy chế số 01, ký ban hành các quy chế phối hợp, kế hoạch liên ngành nhằm bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất giữa hai ngành trong công tác phối hợp và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cùng Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký quy chế phối hợp. Ảnh: Anh Thư
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cùng Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký quy chế phối hợp. Ảnh: Anh Thư

Việc triển khai phối hợp giữa cơ quan công an và cơ quan BHXH được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú. Trong đó, hai ngành thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu, tình hình nợ BHXH, BHYT, nhất là các đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT lớn và kéo dài; các thông tin về các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật (trốn đóng, gian lận, trục lợi…) trong lĩnh vực BHXH, BHYT của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Từ đó, nhận định tình hình, tìm ra những giải pháp tối ưu trong việc xử lý và hạn chế các hành vi vi phạm.

Theo báo cáo từ BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2022, cơ quan công an và cơ quan BHXH ở tất cả các tỉnh, thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng. Số tiền nợ thu hồi thông qua công tác phối hợp đạt gần 500 tỷ đồng. Trong đó, tại một số tỉnh thực hiện rất hiệu quả việc phối hợp như: Bình Dương, 9 tháng năm 2022 BHXH tỉnh đã phối hợp với cơ quan công an đôn đốc thu hồi nợ BHXH của 88 đơn vị, với số tiền đã thu hồi hơn 30 tỷ đồng; BHXH TP. Đà Nẵng và Công an TP. Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn để phát hiện và xử lý vấn đề liên quan đến chủ DN bỏ trốn…

Chuyển biến rõ rệt

Ông Phạm Tuấn Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra BHXH Việt Nam nhận định, việc phối hợp với cơ quan công an thực hiện Quy chế 01 đã có tác dụng và tạo chuyển biến rõ rệt. Ông Phạm Tuấn Cường đơn cử, trước đây, các đơn vị sử dụng lao động thường né tránh làm việc với cơ quan BHXH hoặc cử người đại diện không có thẩm quyền giải quyết công việc. Tuy nhiên, khi có sự phối hợp của cơ quan công an, các đơn vị sử dụng lao động đã cam kết, khắc phục hậu quả và phối hợp với cơ quan BHXH để thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Hoàn thiện hồ sơ khởi tố một số đơn vị vi phạm

Ông Phạm Tuấn Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam: “Thời gian tới, ngành Công an và BHXH sẽ chủ động tăng cường xây dựng kế hoạch thanh tra liên ngành đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); nghiên cứu củng cố, hoàn thiện hồ sơ để khởi tố một số đơn vị có hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN; qua đó nâng cao tính răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT”.

Ngoài ra, ông Phạm Tuấn Cường cho biết, qua quá trình phối hợp, hai cơ quan cũng nhận thấy đối với việc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự, theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, thực tế có nhiều vướng mắc về chính sách, thẩm quyền trong việc phát hiện, áp dụng hành vi vi phạm. Do vậy, theo ông Phạm Tuấn Cường việc khởi tố vụ án hình sự đối với tội danh trốn đóng BHXH còn gặp một số khó khăn, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để tạo sự đồng bộ giữa pháp luật hành chính và pháp luật hình sự, bảo đảm cho quá trình kiến nghị khởi tố, tiếp nhận điều tra, khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tội danh trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Ông Phạm Tuấn Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, hai ngành tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn trong việc ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc đẩy mạnh trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT. Đặc biệt, hai ngành sẽ chủ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT; đồng thời, chú trọng thực hiện tốt việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.