Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét kế hoạch kinh tế, dự toán thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm Hà Nội tăng tốc thi công các dự án trọng điểm

Sáng 8/7, tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng đã trình bày báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của UBND TP. Hà Nội.

GRDP 6 tháng đầu năm đạt 7,63%

6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội vượt kịch bản đề ra
Quang cảnh cuộc họp.

6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phản ánh hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo, điều hành.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản, quý sau cao hơn quý trước, các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng 7,63% (cả nước ước đạt 7,52%), cao hơn cùng kỳ năm 2024 (6,13%) và vượt kịch bản đề ra (7,59%). Quý I tăng 7,56%, quý II tăng 7,69%, dự báo quý III đạt 8,18% và quý IV đạt 8,53%, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 8% cả năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao sự nỗ lực mạnh mẽ, tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt của Thành uỷ, HĐND, UBND TP. Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng đầu năm 2025; GRDP cao hơn bình quân chung của cả nước; tỷ trọng đóng góp vào GRDP cả nước rất cao. Hà Nội được xếp hạng 16 toàn cầu về tiềm năng tăng trưởng đô thị.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước 1.332,3 nghìn tỷ đồng.

Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 223,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 14% tổng vốn cả nước (khoảng 1,6 triệu tỷ), tăng 10,5% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước (9,8%).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát; bình quân 6 tháng đầu năm CPI tăng 3,2% thấp hơn cùng kỳ (5,32%), đạt mục tiêu đề ra là dưới 5%...

Bên cạnh đó, các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh theo cơ chế “làn xanh”. Cụ thể, cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5/2025 (tổng mức đầu tư 20,2 nghìn tỷ đồng, dài 11,5 km), các cầu Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc, Thượng Cát dự kiến khởi công dịp 2/9/2025. Các dự án Vành đai 4 (giải ngân 17,3%), Vành đai 1 (51,4%)... được triển khai tích cực.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô Hà Nội vượt kịch bản đề ra
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày báo cáo tại cuộc họp.

Quyết tâm đạt GRDP 8% trở lên

Mặc dù đạt kết quả tích cực, tuy nhiên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cũng cho biết, UBND thành phố nhận thấy một số mặt công tác vẫn còn hạn chế cần được tập trung giải quyết triệt để tạo đà cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 5,9% chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của Hà Nội, thấp hơn kịch bản đề ra. Số doanh nghiệp giải thể tăng 33,7% và tạm ngừng hoạt động tăng 17,5%, cao hơn mức trung bình toàn quốc...

"Với tinh thần trách nhiệm cao, thành phố cam kết triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, từ hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, đến công tác vệ sinh môi trường, nhằm khắc phục triệt để các hạn chế này, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới" - ông Dũng nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, UBND TP. Hà Nội tập trung đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, quyết tâm đạt GRDP 8% trở lên.

Theo đó, thành phố tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa như: Tổ chức các hội chợ lớn trong quý III và IV/2025 kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản làng nghề, phấn đấu tăng doanh thu bán lẻ thêm 10-12% trong quý IV/2025; triển khai hệ thống phần mềm tiện ích thông minh tích hợp hóa đơn điện tử, hỗ trợ 311.000 hộ kinh doanh tuân thủ quy định thuế từ 1/6/2025.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tập trung vào các ngành thế mạnh như máy móc, thiết bị, sản phẩm khoáng phi kim loại, xe có động cơ, phấn đấu tăng chỉ số IIP lên 7% vào cuối năm. Kết nối doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua 5 hội thảo quốc tế.

Cùng với đó, hỗ trợ, phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 138/NQ-CP trong tháng 8/2025, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, quy hoạch cho doanh nghiệp, giảm tỷ lệ giải thể xuống dưới 30% và tạm ngừng hoạt động xuống dưới 15%. Hỗ trợ 10.447 hộ kinh doanh lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi thuế và thủ tục hành chính theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP.

Song song đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân với quyết tâm đạt 100% vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát thanh toán, quyết toán, giải quyết triệt để khó khăn về giải phóng mặt bằng, biến động giá vật liệu...

Về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, TP. Hà Nội đã công nhận thêm 72 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nâng tổng số lên 187 doanh nghiệp; hỗ trợ 77 doanh nghiệp về tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; quảng bá 184 sản phẩm công nghệ số đạt giải quốc gia trên iHanoi...