Trong cơ hội có thách thức
Bà Hương Vũ cho biết, thời gian gần đây, VBF nhận được ý kiến và câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư về phản ứng của Việt Nam trong việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu thuộc Trụ cột 2, trong chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). Chính sách thuế mới này không chỉ ảnh hưởng đến các DN hiện tại đang hoạt động tại Việt Nam, các DN có mong muốn đầu tư mở rộng, mà cả các nhà đầu tư tiềm năng đang cân nhắc lựa chọn địa điểm cho hoạt động đầu tư của mình, bởi ưu đãi đầu tư luôn là một vấn đề được quan tâm hàng đầu của họ.
Thuế tối thiểu toàn cầu đang là một vấn đề rất nhiều các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm. Ảnh: TN |
Với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng DN và Chính phủ Việt Nam, VBF mong muốn được đóng góp một số nhận định, vấn đề để Chính phủ Việt Nam cân nhắc có những hành động ứng phó phù hợp và kịp thời đế giảm thiểu các tác động bất lợi cho cộng đồng các DN; đồng thời duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư của Việt Nam.
Khi ưu đãi thuế không còn là tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài lớn, Việt Nam sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong nhiều năm qua, ưu đãi miễn, giảm thuế là công cụ quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Trong đó, các đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Cụ thể Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore luôn dẫn đầu danh sách các nguồn FDI vào Việt Nam. |
Chuyên gia này cho rằng, với việc áp dụng các nguyên tắc của Trụ cột 2, các ưu đãi miễn, giảm thuế hiện nay mà Việt Nam đang áp dụng sẽ không còn phát huy tác dụng, không còn có lợi cho DN (nhà đầu tư nước ngoài) như trước đây.
Chuyên gia này phân tích, theo các nguyên tắc của Trụ cột 2, các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%. Nếu công ty con hưởng thuế suất “hiệu quả” thấp hơn mức 15% tại nước đầu tư thì nước nơi đặt trụ sở chính của công ty mẹ (nước đi đầu tư) sẽ được đánh thuế bổ sung (top-up tax) trên phần chênh lệch giữa mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% và mức thuế suất hiệu quả tại nước đầu tư.
Việc làm giảm số thuế phải nộp tại Việt Nam đồng nghĩa với việc kéo giảm thuế suất hiệu quả và dẫn tới tăng số thuế phải nộp tại nơi có công ty mẹ đi đầu tư. Vô hình trung, nhà đầu tư bị thiệt hại do tăng chi phí thuế trong khi Việt Nam cũng bị mất quyền đánh thuế đối với chính thu nhập được tạo ra tại Việt Nam.
Cần sớm có kịch bản để ứng phó
Bà Hương Vũ thông tin, hiện nay các nước đang rất tích cực nghiên cứu và xây dựng các chính sách để thực thi và ứng phó với các nguyên tắc của Trụ cột 2. Trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, và các nước châu Âu... và đặc biệt là các nước trong khu vực là đối tượng cạnh tranh chính với Việt Nam trong việc thu hút đầu tư như: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia..., cũng đã đưa ra những công bố chính thức về việc áp dụng các nguyên tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Dù là nhóm nước đi đầu tư hay nhận đầu tư cũng đều khẩn trương chuẩn bị kịch bản cho áp dụng các nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.
Bà Hương Vũ - Trưởng nhóm Công tác thuế và hải quan VBF. Ảnh: TN |
Theo chuyên gia này, đây là thời điểm để Việt Nam xem xét đánh giá lại để điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư. Bên cạnh các tài liệu được công bố về các nguyên tắc của Trụ cột 2, OECD cũng đưa ra những báo cáo phân tích chi tiết về mức độ ảnh hưởng của các nhóm chính sách ưu đãi thuế và đầu tư của các nước hiện nay khi các nguyên tắc này được đưa vào áp dụng. OECD khuyến nghị, cần đánh giá kỹ các chính sách ưu đãi thuế hiện có và cân nhắc việc xây dựng các chính sách ưu đãi thuế sẽ được áp dụng sau khi các Quy tắc GloBE có hiệu lực.
“Rất nhiều các tập đoàn đa quốc gia phải cân nhắc việc hoạch định lại các chiến lược đầu tư của mình để giảm thiểu ảnh hưởng khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Quan sát các động thái gần đây của nhiều tập đoàn, có thể thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào ASEAN. Tại thời điểm mang tính bản lề về việc điều chỉnh cơ cấu và địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư lớn đang rất chú ý đến động thái và phản ứng của Chính phủ các nước tiếp nhận đầu tư về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam rất cần nỗ lực trong việc nghiên cứu và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư để giành được lợi thế so với các quốc gia khác” - bà Hương Vũ thông tin. |
“Đây là thời điểm đặc biệt quan trọng mang tính bản lề và có ảnh hưởng lớn đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới có nhiều biến động và có nguy cơ khủng hoảng tài chính tại nhiều nước. Các tập đoàn lớn cũng như các công ty đa quốc gia đều đang phải cơ cấu lại quy mô sản xuất, chuỗi cung ứng, thu hẹp nhân sự hoặc chuyển địa điểm sang những nơi có thủ tục hành chính, chi phí năng lượng và gánh nặng thuế thấp hơn” - bà Hương Vũ nhấn mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần có những chương trình hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa để nội luật hóa các quy tắc của Trụ cột 2; rà soát và xây dựng các luật có liên quan đến chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư mới và giữ chân các nhà đầu tư hiện tại. Đây vừa là cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới. Nếu không hành động ngay, Việt Nam sẽ không kịp đưa ra các chính sách phù hợp để có thể áp dụng ngay từ năm 2024./.