PV: Ông đánh giá thế nào về kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2022?

Tiến độ giải ngân là cơ sở để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2023
PGS.TS Vũ Sỹ Cường

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, bất ổn, nhiều nền kinh tế lớn suy giảm tăng trưởng nhưng năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực. Các cân đối lớn luôn được đảm bảo, nền tảng vĩ mô ổn định. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra.

Tính từ đầu năm đến 15/12/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 701,3 tỷ USD, cả nước xuất siêu 10,354 tỷ USD. Với quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc 700 tỷ USD, hiện Việt Nam nằm trong nhóm khoảng 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 2 ở khu vực ASEAN, sau Singapore. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng năm 2022 tăng tới 17,5%...

Năm nay, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ phục hồi hậu Covid-19 cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... được đánh giá đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước đạt 1.691 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19% và tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.

Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Những kết quả này có được là nhờ điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ trong ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập và đa dạng hóa thị trường.

Tuy nhiên, năm 2022 mặc dù tăng trưởng cao nhưng vẫn còn nhiều bất ổn về vĩ mô, như thị trường tài chính, tiền tệ diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro. Lãi suất, tỷ giá đều phải điều chỉnh tăng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản suy giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng, hầu như không có phát hành. Giá cả chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, vật tư tăng cao… Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài chưa được khắc phục, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Tiến độ giải ngân là cơ sở để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2023

Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Những khó khăn trên đang ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, tình trạng khó khăn trong tiếp cận dòng vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, nhiều doanh nghiệp không ký được các đơn hàng mới.

PV: Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, năm 2023 nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn của nền kinh tế toàn cầu. Ông nhận định thế nào về ý kiến trên?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Theo tôi, năm 2023 tổng cầu suy giảm, dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho các nước đều giảm. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng năm 2022 thấp nhất trong mấy chục năm qua. Năm 2023 dự báo sẽ khá hơn, nhưng vẫn thấp hơn trung bình 10 năm trước. Đây là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.

Theo quan điểm cá nhân tôi, năm 2023 sẽ có một số thách thức sau: Thứ nhất, thách thức với tăng trưởng năm 2023 do tổng cầu quốc tế suy giảm mà Việt Nam lại là quốc gia phụ thuộc xuất khẩu. Thứ hai là tốc độ lạm phát bên ngoài đã chậm lại, nhưng vẫn ở mức cao, một số chi phí đầu vào đang có sức ép tăng như giá điện. Thứ ba, lãi suất của Việt Nam cao so với các nước trong khu vực sẽ làm tăng chi phí đầu vào, giảm đầu tư. Thứ tư là giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp và chưa đạt kế hoạch.

Đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, cần tiếp tục cải cách thể chế để giải ngân vốn đầu tư công được tốt hơn, đúng kế hoạch chứ không phải dồn vào cuối năm, cần giải ngân đều, nhanh trong 4 quý của năm để tăng hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. - PGS.TS Vũ Sỹ Cường.

PV: Vừa qua, Quốc hội đưa ra chỉ tiêu năm 2023 tăng trưởng kinh tế 6,5% và tốc độ tăng CPI khoảng 4,5%. Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì?

PGS.TS Vũ Sỹ Cường: Năm 2023, Quốc hội đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% cũng là mức cao, mặc dù năm nay tăng trưởng ước khoảng hơn 8%. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, có nhiều xu hướng khác nhau, song mục tiêu tăng trưởng 6,5% là tương đối cao. Còn tỷ lệ lạm phát dưới 4,5% cũng là thách thức, vì năm 2022 Việt Nam đặt ra nhiều giải pháp để kìm lạm phát, trong khi lạm phát của Việt Nam thường có độ trễ hơn so với thế giới. Đây cũng là thách thức trong điều hành.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo tôi, trước hết và quan trọng nhất là cần có các giải pháp nhằm củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách, đặc biệt là vào các chính sách của Chính phủ.

Thứ hai, tính nhất quán về chính sách, đối với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tài khóa cần tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi sau Covid-19 như miễn giảm thuế, phí… cần có sự quyết liệt để thực thi các chính sách, đảm bảo tính nhất quán từ hoạch định đến thực thi chính sách.

Thứ ba, chính sách tiền tệ năm 2023 cần rất linh hoạt để giữ mục tiêu là ổn định giá trị đồng tiền, nhưng không gây khó khăn cho thanh khoản của hệ thống tài chính...

PV: Xin cảm ơn ông!

IMF và HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 ở mức 5,8%

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống 2,9% trong năm 2023, do xung đột Nga - Ukraine, trong khi Trung Quốc và nhiều nền kinh tế phát triển đang suy giảm. Sự suy giảm này sẽ làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Với Việt Nam, IMF dù mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo của 3 tháng trước đó, song cũng giảm dự báo tăng trưởng năm 2023 xuống còn 5,8%.

Còn Ngân hàng HSBC vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ 7,6% lên 8,1%. Tuy nhiên, động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam là xuất khẩu đang giảm tốc trong 2 tháng qua. Riêng trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Ngân hàng HSBC đưa ra dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 5,8%, thấp hơn mức cũ 6% khi tác động tích cực từ hiệu ứng tái mở cửa nền kinh tế nhạt nhòa dần và tác động của lạm phát cao bắt đầu rõ nét hơn. Trong những tháng gần đây, lạm phát so với cùng kỳ của Việt Nam đã vượt mức 4%. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%. Năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.