Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.

Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra trong 22 ngày làm việc

Thông tin về nội dung kỳ họp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà trình bày tại cuộc họp báo

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp thứ 6 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày) từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 (7 ngày) từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 22 ngày.

Quốc hội cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển KTXH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024… Nội dung kỳ họp còn có xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển KTXH, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tại cuộc họp báo, đại diện các cơ quan của Quốc hội đã trả lời về nhiều vấn đề được các phóng viên báo chí nêu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TBTCVN về việc chưa trình Quốc hội hai nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao tại kỳ họp 6, ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho biết các nội dung này đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét tại kỳ họp tháng 9.

Tại phiên họp tháng 10, Chính phủ đã trình UBTVQH xem xét lần thứ 2 về dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Đây là chính sách quan trọng, chưa có tiền lệ, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng thận trọng, thấu đáo, toàn diện, để đảm bảo mục tiêu giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút nhà đầu tư mới; đồng thời cũng đảm bảo không vi phạm nguyên tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, không làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư của Việt Nam” - đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay.

Về băn khoăn các tập đoàn có phải nộp thuế theo chính sách mới từ năm 2024, ông Vũ Tuấn Anh giải thích, theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, thời hạn kê khai thuế thu nhập doanh bổ sung là 12 tháng, tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu là 18 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Như vậy, việc nộp thuế bổ sung tại nước mẹ của các tập đoàn không phải từ 1/1/2024, mà nếu có nộp thì cũng phải từ năm 2025.

Do đó, hai dự án này chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 để tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tình hình thực tế trong nước, tình hình thực hiện ở các nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. UBTVQH đã giao Chính phủ hoàn thiện 2 dự án để trình UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định tại thời điểm thích hợp, đáp ứng được yêu cầu các cam kết quốc tế, phù hợp tình hình trong nước.

Tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng chính sách đối với thuế tối thiểu toàn cầu
Ông Vũ Tuấn Anh - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, trả lời tại cuộc họp báo.

Đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho cải cách tiền lương

Một nội dung khác cũng được trả lời tại cuộc họp báo là về cải cách tiền lương. Theo ông Đinh Ngọc Quý - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, lộ trình cải cách tiền lương được thực hiện từ ngày 1/7/2024, với tinh thần, quan điểm là thực hiện 6 nội dung Nghị quyết 27 về cải cách tiền lương.

6 nội dung quan trọng trong lộ trình được ông Đinh Ngọc Quý nêu rõ là xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang. Sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay.

Nội dung thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ tư là chế độ nâng bậc lương. Thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương và thứ sáu là quản lý tiền lương và thu nhập.

Trong đó, quan trọng nhất là nội dung về nguồn kinh phí để cải cách tiền lương. Theo báo cáo của Chính phủ, nguồn để cải cách tiền lương đã được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024-2026. Sau năm 2024, tức từ năm 2025 sẽ thực hiện tăng có lộ trình 5 - 7%, đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân.

Tại cuộc họp báo, một vấn đề rất được quan tâm là việc Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn ngay đầu kỳ họp 6.

Theo Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, việc lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nên tiến hành ngay từ đầu kỳ họp là bình thường. Đến nay các báo cáo công tác và kê khai tài sản của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đầy đủ đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu. Nếu đại biểu có ý kiến thì người được lấy phiếu sẽ trả lời. Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày và có thảo luận tại đoàn, đại biểu sẽ cho ý kiến về người được lấy phiếu.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm, kết quả này sẽ công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.