Ngày 15/8 tại Hà Nội, FiinGroup và FiinRaings đồng tổ chức Hội thảo "Làm sao để biết được một trái phiếu “đắt” hay “rẻ”?. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Phú Việt – Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Bộ phận Dữ liệu tài chính FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 240 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến ngày 13/8/2024, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 11,7% GDP năm 2023.
Về cơ cấu phát hành, trái phiếu do ngân hàng phát hành đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 68%; trái phiếu bất động sản đạt 43,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,54% tổng giá trị phát hành tính từ đầu năm 2024. Lãi suất danh nghĩa bình quân huy động ở mức 7,47% trong gần 8 tháng 2024 và giảm 66 điểm so với mức bình quân 8,13% của năm 2023. Kỳ hạn bình quân trái phiếu riêng lẻ ở mức 3,8 năm cho gần 8 tháng 2024 và giảm so với mức bình quân 4,7 năm của 2023.
Số dư nợ trái phiếu (cả gốc và lãi) đến hạn trong năm 2024 ở mức 315 nghìn tỷ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334 nghìn tỷ đồng. Riêng trái phiếu bất động sản, số dư nợ đến hạn năm 2024 hiện ở mức 60 nghìn tỷ đồng và năm 2025 ước tính ở mức 135 nghìn tỷ đồng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Quyên. |
Ông Trần Phú Việt thông tin thêm, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản do các tổ chức phát hành đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư tái cơ cấu nợ trái phiếu.
Dự báo về triển vọng thị trường, ông Trần Phú Việt nhận định, trong thời gian tới, trái phiếu ngân hàng sẽ vẫn là nhóm chủ đạo dẫn dắt thị trường, dự kiến chiếm khoảng 70% giá trị phát hành nửa cuối năm 2024. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản bắt đầu hồi phục nhờ một số có tiến độ pháp lý và trái phiếu hạ tầng có dấu hiệu khởi sắc.
“Lãi suất vẫn cơ bản trên nền thấp nhưng nhiều tổ chức phát hành đang cân nhắc sử dụng vay dài hạn ngân hàng hay phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư phi ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường đang mong đợi hỗ trợ chính sách từ Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho các ngân hàng cung cấp dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo” - ông Trần Phú Việt lưu ý.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang ở mức thấp (tương đương với thời điểm COVID-19), trái phiếu ngân hàng có thể là một kênh đầu tư để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức có thể nhận được lợi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi, với thanh khoản tốt và sự đa dạng về các sự lựa chọn về kỳ hạn và lợi suất.
Mặt khác, trên thị trường thứ cấp, theo thống kê của FiinRatings, thanh khoản bình quân từ đầu năm 2024 đến nay đạt 4.300 tỷ đồng/ngày, trong đó 86,68% là từ trái phiếu riêng lẻ. Phần lớn giao dịch là của trái phiếu ngân hàng, chiếm 50,36% và tập trung vào nhóm kỳ hạn giao dịch còn lại trong khoảng từ 1-3 năm (1,66 năm). Giao dịch mua lại vẫn diễn ra sôi động, một phần do hoạt động cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của các tổ chức phát hành, một phần do thực hiện giảm áp lực dư nợ trái phiếu hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu của các doanh nghiệp./.
Báo cáo nghiên cứu “Đường cong lợi suất và lịch sử chậm trả trái phiếu theo điểm xếp hạng tín nhiệm”, FiinRatings đã lưu ý, những trái phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất thường là các trái phiếu có kỳ hạn còn lại khoảng 2 - 3 năm, với kỳ hạn gốc khoảng 5 - 7 năm. Việc mua lại trước hạn trái phiếu vừa hỗ trợ ngân hàng không phải khấu trừ vốn cấp 2 (Thông tư 41/2016/NHNN), đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung nguồn vốn cần thiết nhằm đáp ứng quy định về an toàn vốn. |