Trung Quốc có thể dành tới 5.400 tỷ USD hỗ trợ người mua nhà vay đảo nợ
Tại Trung Quốc, khoảng 90% khoản vay là của những người mua nhà lần đầu tiên, tính đến cuối năm 2021. Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu chính thức tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ cho vay mua nhà tại Trung Quốc đạt 38.200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5.400 tỷ USD). Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc cho phép người mua nhà đảo nợ (refinance) để giảm bớt chi phí đi vay cho hàng triệu gia đình.

Theo kế hoạch mới, các chủ nhà có thể đàm phán lại các điều khoản với ngân hàng cho vay hiện tại của họ trước tháng 1, thời điểm các nhà băng định giá lại khoản vay.

Ngoài ra, các chủ nhà cũng có thể được phép cho vay đảo nợ với một ngân hàng khác. Nếu đề xuất này thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Bắc Kinh cho phép làm như vậy.

Hiện tại, giới chức trách đang tăng cường nỗ lực giảm chi phí đi vay mua nhà cho người dân, sau khi ngân hàng trung ương khuyến khích phương án hỗ trợ này vào cuối năm ngoái và các nhà băng phản ứng bằng cách hạ lãi suất đối với khoản vay của những khách mua nhà lần đầu.

Theo Bloomberg, hiện chưa rõ liệu kế hoạch mới có áp dụng cho tất cả các căn nhà tại Trung Quốc hay không.

Kế hoạch mới đặt mục tiêu hỗ trợ những chủ sở hữu nhà không được hưởng lợi từ các đợt cắt giảm lãi suất lớn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong năm nay.

Nếu Bắc Kinh chấp thuận, đề xuất này sẽ có thể giúp giảm bớt gánh nặng đi vay mua nhà của người dân Trung Quốc nhanh hơn dự kiến.

Bà Shujin Chen, nhà kinh tế cấp cao tại Jefferies Financial Group, ước tính động thái cho phép đảo nợ có thể giúp lãi suất đi vay mua nhà hiện tại giảm tối đa 100 điểm cơ bản, giúp các chủ nhà tiết kiệm khoảng 300 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 42 tỷ USD).

“Động thái này sẽ đi đúng hướng nếu các chủ nhà được phép chuyển đổi ngân hàng để hưởng lãi suất thấp hơn trong dài hạn. Cách làm mới có thể thúc đẩy tiêu dùng một chút...”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo bà Chen, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể bị thu hẹp khoảng 10 điểm cơ bản, nhìn chung vẫn “có thể kiểm soát được” vì các nhà băng có nhiều cách khác nhau (như cắt giảm lãi suất tiền gửi) để giảm bớt tác động.

Vào cuối quý II, NIM trung bình của ngành ngân hàng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 1,54%. Con số này thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1,8% cần thiết để ngân hàng duy trì lợi nhuận hợp lý.

Trong khi lãi suất vay mua nhà giảm sẽ gây tổn hại đến lợi nhuận của các ngân hàng do nhà nước kiểm soát, các quan chức lại đang phải đối mặt với áp lực lớn nhằm ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế sau khi thị trường bất động sản gặp khủng hoảng.

Ông Raymond Cheng, nhà phân tích cấp cao tại CGS international Securities, cho hay: “Nếu kế hoạch mới được thông qua, động thái này sẽ phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế, bảo vệ tài sản hộ gia đình và thúc đẩy tiêu dùng”.

“Bước đi mới cũng sẽ gián tiếp giúp đỡ thị trường bất động sản”, ông Cheng, hiện là trưởng bộ phận nghiên cứu nhà đất Trung Quốc tại CGS, nói thêm.

Những lo ngại về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gia tăng trong tuần này sau một loạt báo cáo tài chính đáng thất vọng từ các công ty tiêu dùng lớn, bao gồm chủ sở hữu hai sàn thương mại điện tử Pinduoduo và Temu là PDD.

Chưa kể, các nhà kinh tế tại UBS Group còn hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc.

Việc điều chỉnh cho thấy ngày càng nhiều ngân hàng quốc tế nhận thấy Trung Quốc có nguy cơ không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.

Lần gần nhất nền kinh tế tỷ dân không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng là vào năm 2022, trong bối cảnh đất nước vẫn đang phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống đại dịch COVID-19.

PBoC và Cơ quan Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg.

Cuộc khủng hoảng bất động sản, hiện đã bước sang năm thứ 4, đang đè nặng lên mọi khía cạnh của nền kinh tế, từ thị trường việc làm cho đến tiêu dùng và tài sản hộ gia đình./.