bhxh

Ông Cao Anh Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: LV

Ngày 22/2, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Tổng cục Thuế phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác số 5423/2014/QCPH-BHXH-TCT giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế năm 2015, 2016.

Khai thác thêm 182.163 đối tượng tham gia BHXH

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Trí Đại- Trưởng ban Thu- BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 24/7/2015, 63/63 BHXH tỉnh đã ký quy chế phối hợp với Cục thuế tỉnh. Sau khi ký quy chế phối hợp, hai cơ quan đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức của hai bên. Đồng thời, phân công trách nhiệm các phòng chức năng, BHXH và chi cục thuế quận, huyện hai bên thường xuyên trao đổi thông tin.

Cơ quan BHXH địa phương và cơ quan thuế địa phương đã trao đổi thông tin, bước đầu thực hiện việc khai thác thông tin các đơn vị sử dụng lao động, danh sách đơn vị được thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành thuế năm 2015, 2016.

Qua công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan thuế và cơ quan BHXH, đã khai thác thêm được 51.224 lao động tham gia BHXH, truy thu được khoảng 400 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Điển hình như, tại Cục thuế tỉnh Bắc Ninh, số tiền nợ BHXH đã thu được trong quá trình thanh tra, kiểm tra là 10,461 tỷ đồng; tại Cục thuế Tp. Đà Nẵng, qua kiểm tra đôn đốc số tiền nợ đọng đã thu được là hơn 2,6 tỷ đồng; Cục thuế TP. Hà Nội phối hợp với cơ quan BHXH thực hiện kiểm tra việc trích nộp BHXH của DN, phát hiện 83/392 DN kiểm tra có sai phạm, số nợ thu được là 77,37 tỷ đồng; tại Cục thuế tỉnh Trà Vinh, phối hợp với BHXH tỉnh kiểm tra 2 DN đã thu được hơn 916 triệu đồng; tại Cục thuế tỉnh Khánh Hòa, đôn đốc thu nợ tại 18 DN thu được số tiền 4,411 tỷ đồng...

Bên cạnh đó, sau khi nhận được thông tin DN do cơ quan thuế cung cấp, cơ quan BHXH đã tự tổ chức kiểm tra, qua đó, đã khai thác thêm được 130.939 lao động tham gia BHXH, thu được trên 466 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Cần tăng cường phối hợp hơn nữa

Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Anh Tuấn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc ký quy chế phối hợp giữa hai ngành thuế và BHXH là một trong những giải pháp phù hợp và kịp thời để thực hiện NQ19 của Chính phủ, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Thông qua đó, đã giảm số giờ nộp thuế và BHXH, được cộng đồng DN và tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của 2 ngành chưa đồng bộ. Đơn cử, ngành thuế đã có hệ thống dữ liệu tập trung tại Tổng cục Thuế, trong khi đó dữ liệu về BHXH lại phân tán tại các địa phương dẫn đến việc trao đổi thông tin chưa có sự thống nhất, đồng bộ, chưa thực hiện được bằng phương thức điện tử.

Bên cạnh đó, việc phối hợp kiểm tra, thanh tra liên ngành mới chỉ đáp ứng yêu cầu cho công tác quản lý thu, quản lý nợ của BHXH, chưa gắn với công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, dẫn đến chồng chéo trong kiểm tra thanh tra của các ngành đối với DN.

Một số cục thuế địa phương chưa thực hiện tốt quy chế phối hợp. Công tác trao đổi thông tin chưa thường xuyên theo quy định. Giữa BHXH và cơ quan thuế địa phương cơ bản mới chỉ dừng ở việc cung cấp thông tin về danh sách đơn vị sử dụng lao động, mã số thuế hai cơ quan đang quản lý....

Theo ông Cao Anh Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, nhiệm vụ năm 2017 và đến năm 2020 của hai ngành là rất nặng nề, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của hai cơ quan. Để đạt được mục tiêu giảm số giờ nộp thuế còn 119 giờ, nộp BHXH còn 49 giờ/năm, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là nhiệm vụ chính trị của 2 ngành.

Đồng thời, cũng cần khẩn trương hoàn thành việc kết nối giữa hai cơ quan để thực hiện việc trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử, tự động. Sử dụng có hiệu quả thông tin đã trao đổi để phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của 2 ngành, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng số lượng người tham gia và giảm thất thu, giảm nợ đọng BHXH.

Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra DN, cần cung cấp kịp thời kế hoạch kiểm tra, thanh tra thuế đã được duyệt; đưa việc kiểm tra trích, nộp BHXH là chỉ tiêu kiểm tra, thanh tra thuế và chỉ tiêu trong quản lý rủi ro về thuế. Đồng thời, thực hiện việc kiểm tra, thanh tra DN dưới hình thức liên ngành thuế- BHXH để đạt được mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tránh chồng chéo.

Ông Cao Anh Tuấn cũng đề nghị giao các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện về chính sách thu và quản lý thu để tăng cường quản lý thu BHXH và quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ nay đến 2020.

Ngoài ra, nghiên cứu sửa đổi chính sách trong Luật Quản lý thuế, Luật BHXH và ứng dụng CNTT đi kèm để thống nhất mã số thuế, mã số nộp BHXH của tổ chức trả thu nhập, mã số thuế của người lao động; điện tử hóa khai nộp thuế, nộp BHXH và trao đổi thông tin giữa hai ngành và các ngành có liên quan đề xuất giải pháp thông nhất về chính sách thu, phương pháp quản lý thu thuế thu nhập cá nhân và thu BHXH.

Vũ Luyện