Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 76

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 76, ngày 22/9/2021.

Tất cả được thể hiện trong phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

Chiến thắng vĩ đại cho tất cả

Tinh tế và uyển chuyển trong ngôn từ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn dắt thính phòng quan tâm đến 3 cơn cuồng nộ đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu, để nêu rõ trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, trách nhiệm trước những người bạn với tình cảm như thủ túc của Việt Nam và kêu gọi một chiến thắng vĩ đại cho tất cả. Chiến thắng đó là chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác cùng nhau đẩy lùi đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.

Cơn cuồng nộ của bão dịch Covid-19 là nội dung đầu tiên trong bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) của Chủ tịch nước. Cảm nhận rằng tất cả mọi người đang ngồi tại nơi đây đều lo lắng nghĩ tới người dân, đất nước mình, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam bày tỏ: “trái tim tôi cũng hòa chung nhịp đập đó, tha thiết hướng về quê hương Việt Nam nơi cả nước đang chung sức chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ước hẹn mùa thu

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh “Chấm dứt đại dịch Covid-19 và xây dựng lại tốt hơn” do Tổng thống Hoa Kỳ chủ trì tổ chức nhân dịp Đại hội đồng Liên Hợp quốc khoá 76. Việt Nam là một trong số ít nước được mời phát biểu tại Hội nghị này. Nhận định: “đại dịch Covid-19 là thách thức to lớn hiếm có trong lịch sử loài người, đòi hỏi những hành động và nỗ lực hợp tác sâu rộng và chặt chẽ trên toàn cầu”- Chủ tịch nước tin rằng “sát cánh bên nhau, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, cuộc sống người dân và xây dựng lại tốt hơn”. Hội nghị đã đưa ra được ước hẹn cho mùa thu năm sau: bảo đảm ít nhất 70% dân số thế giới ở tất cả các quốc gia thuộc nhóm có thu nhập khác nhau được tiêm vắc-xin đầy đủ trước Phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc tháng 9/2022.

Theo ông, không có con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là những mất mát về người, cùng với đó là những thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân. Song đại dịch không phải là cơn cuồng nộ duy nhất đang hiện hữu. Còn hai cơn cuồng nộ khác đang hoành hành.

Chiến tranh, với tất cả sự tàn khốc của nó đang cướp đi bao sinh mạng vô tội, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên ở nhiều khu vực có nguy cơ bùng phát. Cùng với đó là các hành động phớt lờ luật pháp quốc tế, cưỡng ép đơn phương, cản trở các nước thực hiện quyền hợp pháp vẫn diễn ra ở nhiều khu vực. Trong khi, cơn cuồng nộ của thiên nhiên với tần suất và cường độ chưa từng có trong hàng trăm năm qua. Thiên tai khắc nghiệt, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học… chính là hậu quả tích tụ sau nhiều thập kỷ của các hoạt động tập trung cho phát triển kinh tế thiếu trách nhiệm của con người.

Dẫu vậy, với tinh thần lạc quan vốn có hàng nghìn đời nay của người Việt, trong mọi hoàn cảnh luôn hướng về những điều tích cực nhất, Chủ tịch nước thấy: “trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn sáng lên nguồn động lực mạnh mẽ từ khát vọng to lớn của toàn nhân loại hướng tới hoà bình, hợp tác và phát triển, cũng như ý thức sâu sắc của các quốc gia về tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, của tương thân tương ái, của hợp tác đa phương”.

Điều kiện tiên quyết

Từ tâm thế của một Việt Nam đã phải trải qua hàng thập kỷ hy sinh chiến đấu chống xâm lược để giành độc lập, thống nhất dân tộc, vượt qua bao vây, cấm vận và đã phát huy nội lực, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hoà mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, Chủ tịch nước chia sẻ: “chúng tôi càng thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của “không có gì quý hơn độc lập tự do,” của hoà bình và phát triển cho mỗi quốc gia”.

Vì vậy, ông khẳng định điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hoà bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới. Chủ tịch nước nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, chấm dứt tất cả các hành động bạo lực, bảo vệ thường dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo tại các vùng xung đột” và “chúng tôi lên án mọi hành động chiến tranh, áp đặt cường quyền, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế”.

Với tinh thần lạc quan vốn có hàng nghìn đời nay của người Việt, trong mọi hoàn cảnh luôn hướng về những điều tích cực nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thấy: “trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn sáng lên nguồn động lực mạnh mẽ từ khát vọng to lớn của toàn nhân loại hướng tới hoà bình, hợp tác và phát triển, cũng như ý thức sâu sắc của các quốc gia về tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, của tương thân tương ái, của hợp tác đa phương”.

Đề cập cụ thể đến vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước nêu: Việt Nam cùng quan điểm của ASEAN và chia sẻ tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; yêu cầu các bên liên quan kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ hằng năm là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh. Báo Washington Times (Mỹ) số ra ngày 21/9 dành riêng một trang viết về sự tham gia của Việt Nam ở sự kiện này. Tờ báo nhận định, với sự cởi mở và gắn kết với thế giới, Việt Nam sẵn sàng có tiếng nói và vị trí nổi bật hơn trong LHQ. Trải qua nửa thế kỷ chiến tranh, Hà Nội không ngần ngại ủng hộ các sáng kiến của LHQ, nêu bật các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ trong việc giải quyết các xung đột quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình. Bất chấp sự bùng phát trở lại của Covid-19 với biến thể Delta, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao với vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an vào tháng 4, cũng như năng lực và sự tự tin thúc đẩy các sự kiện mang dấu ấn riêng và các nỗ lực xây dựng hòa bình.

Viva Việt Nam, viva Cuba

Cuba, người bạn thủy chung son sắt của Việt Nam, như lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro từng nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, người bạn vô tư, trong sáng này của Việt Nam rất cô đơn giữa vòng vây cấm vận liên miên. Trước khi dự Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Cuba. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Cuba sau khi Cuba tổ chức thành công Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba.

Việt Nam nhất quán lập trường đòi dỡ bỏ ngay lệnh bao vây cấm vận đơn phương chống Cuba. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện thái độ rất rõ: “Một lần nữa, từ diễn đàn trọng thể này, chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Cuba, kêu gọi chấm dứt bao vây, cấm vận đơn phương đối với Cuba”. Chia tay những người bạn Cuba, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nắm chặt tay họ cùng giơ cao và hô vang: “viva Việt Nam, viva Cuba!”.

Đoàn Trần