Cơ hội lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, tăng tính tự lực, tự cường
Kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2025 tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới, vừa thúc đẩy cải cách. Ảnh minh họa

Người dân vững tin vào các quyết sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Sáng 6/5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2025 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển.

Trong tháng 4, chính sách thuế đối ứng của Mỹ tạo bất ngờ với hầu hết các quốc gia và ngay lập tức ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới.

Ở trong nước, Việt Nam đã chủ động từ sớm, tăng cường trao đổi, tiếp xúc đa dạng, linh hoạt, hiệu quả ở tất cả các cấp, tất cả các kênh. Đặc biệt, cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ, việc Thủ tướng Chính phủ chủ trì 11 cuộc họp về phương án đàm phán và trực tiếp chỉ đạo đã giúp nước ta thuộc nhóm 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán trong hơn 100 nền kinh tế.

Gỡ vướng cho trên 2.200 dự án

Công tác phòng, chống lãng phí cũng được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (khoảng 235 tỷ USD, tương đương hơn 50% GDP) và quy mô sử dụng đất khoảng 347.000 ha.

"Qua đó, người dân, doanh nghiệp vững niềm tin vào những quyết sách ứng phó kịp thời, hiệu quả của Tổng Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tin tưởng hơn vào khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, mạnh dạn chi tiêu hơn trong dịp nghỉ lễ và mùa du lịch hè sắp tới; các doanh nghiệp lớn toàn cầu tiếp tục tin tưởng, gia tăng đầu tư tại Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.

Từ đó, nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Nhiều chỉ tiêu, chỉ số tốt hơn so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức như: mục tiêu tăng trưởng, hoạt động đầu tư, kinh doanh… gặp nhiều thách thức; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc…

Dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bên ngoài, trong khi các động lực nội tại chưa được thúc đẩy hiệu quả. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đây cũng là cơ hội, động lực để tập trung cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu, thu hút FDI chất lượng cao.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận và thống nhất đánh giá, kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2025 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực, với các điểm nhấn nổi bật.

Đó là, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng tăng bình quân 3,2%. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm, tăng 26,3%.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 39,7%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 6,7 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025. Điều này cho thấy lòng tin của nhà đầu tư được tăng cường và củng cố.

Cùng với đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW được tổ chức triển khai tích cực với 13 dự án luật quan trọng được trình Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ này.

Đặc biệt, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý I/2025 đạt 9,4 triệu đồng, tăng 10,7%, tương ứng tăng 906.000 đồng so với cùng kỳ 2024.

Mục tiêu tăng trưởng gặp nhiều thách thức hơn

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại phiên họp. Đánh giá khái quát, Thủ tướng cho rằng trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm ngoái và cao hơn phương án trước đây. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, bội chi ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, kết quả đạt được của các bộ ngành, cơ quan, địa phương, nhất là các cơ quan chủ trì xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành 4 nghị quyết quan trọng. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tiếp tục phát huy tinh thần này để thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai thực hiện các nghị quyết và các nhiệm vụ, giải pháp.

Những kết quả đạt được là cơ bản, quan trọng, song Thủ tướng cho rằng, để đạt tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng rất lớn do mục tiêu này đang gặp thách thức hơn bởi một số nguyên nhân, trong đó có tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn và rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội rất lớn để cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại và đa dang hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, khai mở các thị trường mới. Đồng thời vừa là "thước đo", vừa là cơ hội, có thêm kinh nghiệm để tăng cường tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

4 tháng: Giảm, gia hạn khoảng 67.000 tỷ đồng tiền thuế, phí

Báo cáo về chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho biết đã khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để áp dụng ngay từ thời gian đầu của năm 2025.

Cụ thể như, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng đầu năm 2025. Dự kiến số tiền thuế được giảm theo chính sách này khoảng 26.100 tỷ đồng. Hay chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2025 như đã áp dụng trong năm 2024. Dự kiến thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2025 khoảng 44.000 tỷ đồng.

Về thuế nhập khẩu, Bộ đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự kiến việc điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu này sẽ giảm thu NSNN khoảng 4.400 tỷ đồng/năm.

Về gia hạn thuế, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2025; Nghị định số 81/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền được gia hạn khoảng 116.100 tỷ đồng.

Ước tính, tổng số tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí đã giảm, gia hạn đến hết tháng 4 khoảng 67.000 tỷ đồng, bao gồm số tiền giảm khoảng 29.800 tỷ đồng, số gia hạn khoảng 37.200 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đang khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền một số giải pháp bổ sung nhằm tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2025 như: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2030); Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT; Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; Nghị định về giảm tiền thuê đất năm 2025; tiếp tục giảm 36 khoản phí, lệ phí.