Nâng cao năng suất, giảm tiêu hao năng lượng

Theo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), chương trình xử lý “nút thắt” tại các nhà máy từ năm 2019 đến nay các đơn vị thành viên VICEM (VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch, VICEM Hải Phòng, VICEM Bỉm Sơn, VICEM Hoàng Mai, VICEM Hạ Long, VICEM Tam Điệp, Vicem Hà Tiên) đã tiến hành sửa chữa, cải tạo 8 nút thắt với mục tiêu: Nâng cao năng suất, giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng được than có nhiệt trị thấp cho sản xuất xi măng. Kết quả chương trình đã góp phần tiết giảm tiêu hao nhiệt, ổn định chất lượng clinker do clinker được làm nguội nhanh và ổn định trong quá trình vận hành và hạn chế được tình trạng tượng ghi cũng như dòng sông đỏ; góp phần tăng năng suất, nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị để góp phần giảm tiêu hao điện năng. Hệ thống calciner được mở rộng, tăng thời gian lưu nên ngoài việc đốt than có nhiệt trị thấp còn có khả năng đốt nhiên liệu thay thế góp phần tăng hiệu quả sản xuất và xử lý môi trường; giảm thiểu tối đa hiện tượng bám dính hệ thống. Sử dụng được than có nhiệt trị thấp, phù hợp với bối cảnh nguồn cung có chất lượng cao đang ngày càng khan hiếm, giá cả càng ngày càng leo thang điều này góp phần chủ động nguồn than, ổn định sản xuất.

Việc sửa chữa xử lý các nút thắt của VICEM trong thời gian qua bước đầu đánh giá là đáp ứng mục tiêu: tiến độ, chất lượng sau sửa chữa và đảm bảo tuyệt đối an toàn; tăng công suất, năng suất lao động, tiết giảm tiêu hao năng lượng. Các nút thắt đã triển khai là một phần trong chương trình đổi mới sáng tạo của VICEM, đã góp phần không nhỏ trong việc hướng tới sử dụng hiệu quả nguyên nhiên liệu là các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, nhiên liệu thay thế. Với chi phí thực hiện thấp hơn nhiều so với suất đầu tư các nhà máy/dây chuyền mới, các kết quả về tăng năng lực sản xuất và giảm chi phí giá thành đã đạt được ở các đơn vị thành viên nêu trên đã góp phần sử dụng hiệu quả vốn nhà nước, tăng năng lực và vị thế của VICEM trên thị trường xi măng trong nước và quốc tế. Những kinh nghiệm có được trong quá trình xử lý nút thắt là tiền đề quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả quản lý các dự án đầu tư của VICEM về việc lập kế hoạch, xây dựng phương án kỹ thuật, tiến độ, chi phí và hiệu quả kinh tế.

VICEM tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh xây dựng VICEM phát triển bền vững. Ảnh: VICEM
VICEM tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh xây dựng VICEM phát triển bền vững. Ảnh: VICEM

Những giải pháp kỹ thuật đã được áp dụng, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai là tài liệu, tri thức quý của VICEM. Tài liệu, tri thức này sẽ tiếp tục được đội ngũ kỹ thuật VICEM đánh giá trong thực tiễn sản xuất, nghiên cứu, cải tiến… hướng đến làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu thiết kế, phối hợp chế tạo thiết bị cho công nghiệp sản xuất xi măng và áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Qua đó, chương trình đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ kỹ thuật, song song với đó là sự ủng hộ, tin tưởng của lãnh đạo VICEM, đây là động lực thúc đẩy để lực lượng kỹ thuật vững tin thực hiện các chương trình đổi mới sáng tạo, các dự án trong thời gian tới.

Theo ông Lê Nam Khánh – Tổng giám đốc VICEM, thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo trong thời gian qua. Hiệu quả đạt được không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa về xã hội to lớn trong việc tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ mội trường. Khẳng định khả năng làm chủ thiết bị, làm chủ khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ VICEM cần tiếp tục truyền thông tạo động lực. Thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu sửa chữa cải tạo các thiết bị liên quan để sử dụng than phẩm cấp thấp, đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, đốt rác thải, triệt để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trong quá trình thực hiện cần triệt để tuân thủ các quy định và xây dựng các quy chế, quy định cụ thể để các đơn vị chủ động thực hiện. VICEM tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh xây dựng VICEM phát triển bền vững.

Kết quả sản xuất kinh doanh khả quan

Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường, kéo dài thêm vào đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine từ cuối tháng 2/2022 đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Trung Quốc duy trì chính sách “Zero Covid” để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện phong toả các cảng biển… đã tác động đến giao thương của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tính đến cuối tháng 5/2022, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giá cả nguyên nhiên vật liệu như: xăng dầu, than,… tiếp tục tăng cao, đặc biệt giá than nhập khẩu có thời điểm trong tháng 5/2022 tăng lên 490 USD/tấn, đồng thời nguồn cung khan hiếm. Trong 5 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) đã có 2 lần tăng giá bán. Giá than nhập khẩu, than thương mại cao hơn giá than của TKV từ 700.000 đồng/tấn - 1.100.000 đồng/tấn). Giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng khoảng 45% so với đầu năm 2022 đã kéo theo sự gia tăng của các chi phí cước vận tải và Logistics.

Tuy nhiên, VICEM vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép vừa chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu sản xuất kinh doanh.

Nhờ đó, VICEM đã hoàn thiện Đề án cơ cấu lại VICEM giai đoạn 2021-2025 theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” báo cáo Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt.

Kết quả sản xuất kinh doanh của VICEM đã đạt được rất khả quan

5 tháng đầu năm 2022 sản xuất xi măng toàn tổng công ty đạt hơn 10,4 triệu tấn, bằng 102,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tiêu thụ đạt hơn 12,3 triệu tấn; tổng doanh thu đạt hơn 15.700 tỷ đồng, 112,4% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.060 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 1.037 tỷ đồng, bằng 127,3% so với cùng kỳ.

Hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng năm 2022 của Công ty mẹ VICEM và các đơn vị thành viên; Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của VICEM báo cáo Bộ Xây dựng xem xét phê duyệt.

Kết quả sản xuất kinh doanh của VICEM đã đạt được rất khả quan: Tổng sản xuất xi măng đạt hơn 10,4 triệu tấn, bằng 102,9% so với cùng kỳ năm 2021 và tiêu thụ đạt hơn 12,3 triệu tấn; tổng doanh thu đạt hơn 15.700 tỷ đồng, 112,4% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.060 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 1.037 tỷ đồng, bằng 127,3% so với cùng kỳ.

Ông Lê Nam Khánh cho biết thêm, 6 tháng cuối năm 2022, VICEM sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng cường rà soát công tác vận hành thiết bị, bố trí kế hoạch sản xuất, sửa chữa thiết bị phù hợp, phát huy tối đa năng xuất thiết bị. tiếp tục rà soát, tiết giảm định mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất và thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh ở tất cả các công ty thành viên; tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học kỹ thuật …

Tiếp tục rà soát cơ cấu lại hệ thống tiêu thụ tại các địa bàn; đẩy mạnh giao dịch xuất khẩu ủy thác xi măng cho các đơn vị thành viên. Nâng cao vai trò tư vấn xuất khẩu của VICEM cho các đơn vị thành viên để giảm thiểu rủi ro pháp lý, loại bỏ cạnh tranh nội bộ, nâng cao hiệu quả từ xuất khẩu; bám sát nhiệm vụ được phân công, căn cứ đặc điểm tình hình và chức năng nhiệm vụ trong từng lĩnh vực thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm 2022.