Sáng 29/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức hội nghị tham vấn cấp cao “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025”.

Hội nghị nhằm nhìn nhận yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025; xác định những nội dung, vấn đề cải cách cần ưu tiên ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, đây là năm thứ hai chúng ta phải đối phó với dịch bệnh Covid-19 với diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.

Ở trong nước, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng làm trầm trọng hóa những vấn đề cố hữu của Việt Nam trong những năm qua, chẳng hạn như phối hợp, liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy lợi thế kinh tế của vùng, hay giải ngân đầu tư công chậm.

CIEM
Các chuyên gia trình bày tại hội thảo của CIEM sáng 29/10.

Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính GDP năm 2021 ở mức từ 2,0% đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố tháng 8/2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo ở mức cao hơn là 3,78%. Tuy nhiên, phục hồi tăng trưởng kinh tế sẽ có ý nghĩa hơn nếu đi kèm với tính bền vững, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Viện trưởng CIEM đánh giá chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng trong việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế thông qua việc đề ra nhiều giải pháp tạo động lực cho nền kinh tế; phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, cùng với việc nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ cải cách, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro về nhiều cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm. Trong khi đó, một số lĩnh vực cải cách có thể đã “chạm trần thể chế”, khó có thể tạo thêm đột phá nếu không có những cách làm, giải pháp mới hơn, quyết liệt hơn. Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập.

Trong bối cảnh ấy, tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại lại càng cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng “làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.

Với góc nhìn như vậy, Viện trưởng CIEM xác định cần kiên trì thực hiện những cải cách đủ trọng tâm, đủ dài hơi và đủ thực chất.

Tại hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận những vấn đề, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh tới: duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, với yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế; Huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là hiệu quả sử dụng nguồn lực; Không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững; những yêu cầu/đòi hỏi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế./.