bien doi khi hau

Những trận lũ lụt bất thường đang xảy ra thường xuyên tại Việt Nam

Hội thảo do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trong 2 ngày (6 - 7/6) tại Hà Nội.

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết, Việt Nam là quốc gia hàng năm thường xuyên đối mặt, chịu tác động của nhiều loại thiên tai. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1 - 1,5% GDP.

Theo dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như: nước biển dâng, nhiệt độ tăng, những loại hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan khác.

Để góp phần chủ động trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt trong tình hình khí hậu cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, Việt Nam cần có những phương pháp, công cụ đánh giá, tính toán về tổn thất, thiệt hại gắn với biến đổi khí hậu.

Cụ thể như: Xác định những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, thiệt hại kinh tế, phi kinh tế, di dân tái định cư, các tổn thất vĩnh viễn, phục hồi, mạng lưới an sinh xã hội, đền bù thiệt hại…

Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, cụm từ tổn thất, thiệt hại thường được dùng ở Việt Nam để nói đến chi phí kinh tế trong quá khứ, hiện tại. Những kinh nghiệm thành công trên thế giới cho thấy, các nước như Việt Nam cần tính toán đến tổn thất, thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu cả trong tương lai.

Đợt hạn hán nghiêm trọng do El-Nino năm 2015 - 2016 đã cướp đi sinh kế của hàng triệu nông dân Việt Nam, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước. Nếu không có cơ chế ứng phó với những hiện tượng khí hậu bất thường trong tương lai, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ nhanh chóng bị hủy hoại.

Bà Akiko Fujii khuyến cáo, Việt Nam cần thành lập nhóm làm việc liên bộ để phối hợp công tác thu thập dữ liệu, phân tích rủi ro khí hậu nhằm đưa ra hành động hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nỗ lực ứng phó của Việt Nam thông qua thực hiện Thỏa thuận Paris, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong những năm qua dự tính đến năm 2100 thông qua thay đổi về nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, hết sức rõ rệt, ngày càng mạnh mẽ.

Quỳnh Như (theo TTXVN)