duong

Container đường nhập khẩu từ Lào về cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Quảng Nam.

Để có những góc nhìn khách quan về sự việc, TBTCVN xin giới thiệu một số ý kiến, bình luận của luật sư, chuyên gia kinh tế xung quanh sự việc này.

* Áp thuế đường ngoài hạn ngạch là có cơ sở

(Ông Đoàn Trọng Bằng - Luật sư Công ty Black & White)

Qua tìm hiểu vụ việc và tra cứu văn bản pháp luật tôi thấy rằng: DN yêu cầu được hưởng thuế suất ưu đãi 2,5% đối với đường nhập khẩu căn cứ theo Hiệp định Thương mại tự do Việt –Lào (ngày 3/3/2015) và Điều 4 Nghị định 124/2016/NĐ-CP. Trong khi đó, cơ quan hải quan áp thuế đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch căn cứ theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 187/2013/NĐ-CP; Điểm b, Khoản 3 Điều 5 Thông tư 04/2014/TT-BCT của Bộ Công thương; các điều khoản cam kết WTO của Việt Nam. Việc áp dụng thuế đường ngoài hạn ngạch với thuế suất nhập khẩu 80% của cơ quan hải quan có cơ sở pháp lý và được Bộ Công thương chấp thuận.

Trong trường hợp này, cơ quan hải quan đã làm đúng về cách thức xử lý áp thuế. Tức là, khi xảy ra vướng mắc về thủ tục không thể giải quyết được, Chi cục hải quan cửa khẩu Kỳ Hà đã gửi công văn xin ý kiến cơ quan cấp trên là Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn. Tổng cục Hải quan cũng xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương.

Nội dung vướng mắc tập trung chủ yếu vào vấn đề là DN cho rằng: Theo Điều 4 Nghị định 124/2016/NĐ-CP thì mặt hàng đường được hưởng ưu đãi giảm 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu theo Biểu thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA với chỉ 2 điều kiện “a) Được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ CHDCND Lào vào Việt Nam; b) Đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào theo quy định và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của nước CHDCND Lào cấp theo quy định”. Nhưng văn bản này không quy định rõ mức thuế này áp dụng trong hạn ngạch hay ngoài hạn ngạch thuế quan.

Trong khi đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu DN phải xuất trình văn bản của Bộ Công thương thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường kết hợp với 2 điều kiện nêu trên thì mới được hưởng thuế suất 2,5%. Do đó, đã xảy ra mâu thuẫn giữa DN và cơ quan hải quan cửa khẩu.

Việc DN quyết định khởi kiện đối với cơ quan hải quan là do hai bên đã thảo luận nhưng không đi đến được quan điểm thống nhất. Do đó, khởi kiện ra tòa án là giải pháp cuối cùng của DN.

Như vậy, trong trường hợp này, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn để xử lý vụ việc trên, trường hợp cần thiết phải ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn, điều chỉnh để phù hợp với pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, khi xử lý vụ việc các cơ quan có thẩm quyền cần lưu ý quy định tại Điều 6 Luật Điều ước quốc tế số 108/2016/QH13.

* Cần đảm bảo nguyên tắc “nộp thuế trước khiếu nại sau”

(TS. Nguyễn Duy Phương - Khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Lao động - Xã hội)

Để giải quyết vướng mắc trong việc áp dụng mức thuế suất đối với lô đường nhập khẩu từ Lào, Bộ Tài chính đã chủ trì, lấy ý kiến và được Bộ Công thương đồng ý áp thuế suất cho mặt hàng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 80%. Cơ quan hải quan đã nhiều lần hướng dẫn, đề nghị DN thực hiện áp dụng mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Tuy nhiên, DN đã không đồng ý theo hướng dẫn của cơ quan hải quan, dẫn đến việc hàng hoá tồn đọng tại cảng là thuộc trách nhiệm của DN.

Việc khiếu nại, hoặc khởi kiện phải đảm bảo nguyên tắc về thời hạn và thời hiệu khiếu nại. Cụ thể DN phải khiếu nại theo đúng trình tự, nếu DN đã khiếu nại chi cục trưởng hải quan và không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần 1 không được giải quyết thì DN mới có quyền khiếu nại lần 2 đến Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án. Nếu DN đã khiếu nại lần 1 và không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần 2 không được giải quyết thì mới có quyền khởi kiện tại tòa án. Tuy nhiên DN vẫn phải nộp số thuế ấn định trong thời gian khiếu nại. Nếu điều kiện tiên quyết này không được DN thực hiện thì các cơ quan giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu DN thực hiện trước khi thụ lý.

* Nhiều văn bản quy định đường ngoài hạn ngạch phải chịu mức thuế cao

(Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Công ty Luật TNHH Labor Law)

Liên quan đến vụ việc 120 tấn đường của Công ty Hoàng Nam Giang, tôi nhận thấy, đây là một trong những hiện tượng “Nghị định “chồng” Nghị định”, có nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh một đối tượng hàng hóa nhưng có những quy định không rõ ràng, dẫn đến quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn.

Theo quy định tại Thông tư 04/2014/TT - BCT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ - CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài thì có 4 loại hàng hóa phải nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là: Muối, thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm và đường tinh luyện, đường thô.

Nghị định 122/2016/NĐ-CP có quy định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó mặt hàng đường (các loại) thuộc diện áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Cũng chính từ những văn bản này, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Công thương thống nhất phương án giải quyết đề nghị DN phải áp mức thuế nhập khẩu là 80% đối với mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu cảng Kỳ Hà, Quảng Nam./.

Lộ trình giảm thuế của Việt Nam trong ATIGA giai đoạn 2016 - 2018 quy định rõ mặt hàng đường là mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan của Việt Nam trong WTO. Như vậy, để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt ATIGA là 5% thì lượng đường nhập khẩu phải nằm trong hạn ngạch thuế quan của Việt Nam và phải được Bộ Công thương giao hạn ngạch.

PV (thực hiện)