Tọa đàm “Xếp hạng tín nhiệm quốc gia và công tác quan hệ nhà đầu tư” được Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức vào sáng 18/9/2024, tại Hà Nội.
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, sau hơn 2 năm (2022 - 2023) triển khai Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030, Việt Nam đã gặt hái được một số thành quả tích cực.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực năm 2022, các quốc gia trên thế giới đối mặt với những bất ổn, rủi ro và hệ quả từ xung đột địa chính trị, nên bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc, hạ triển vọng, thì Việt Nam lại nằm trong số ít nước được 2 tổ chức Moody’s và S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ông Trương Hùng Long phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Minh |
Cụ thể, S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”; Moody’s nâng hệ số tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức Ba3, triển vọng "Tích cực" lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định". Năm 2023, Việt Nam lại tiếp tục được tổ chức Fitch nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm, từ mức BB lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.
“Kết quả này cho thấy, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo thang điểm của S&P và Fitch chỉ còn cách định mức "Đầu tư" 1 bậc, và theo thang điểm của Moody’s cách 2 bậc, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đạt định mức "Đầu tư" vào năm 2030 đề ra tại Đề án” - ông Trương Hùng Long thông tin.
Tọa đàm là dịp để thảo luận vấn đề quan hệ nhà đầu tư, xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Tọa đàm là cơ hội trao đổi kinh nghiệm chuyên môn quốc tế, kinh nghiệm từ các ngân hàng, doanh nghiệp để cải thiện định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, qua đó tạo nền tảng trao đổi nội dung để cải thiện quan hệ với nhà đầu tư. |
“Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm" - ông Trương Hùng Long khẳng định.
Cũng theo ông Trương Hùng Long, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.
Nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, ông Arne Fraemk - Trưởng Dự án Tăng cường quản lý tài chính công thuộc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng để chuyển đổi sang quốc gia thu nhập cao và điều này đồng nghĩa với việc nguồn vốn ODA đổ vào sẽ giảm xuống.
Do đó, Việt Nam có nhu cầu hỗ trợ lớn cho đầu tư phát triển. Việc huy động vốn hết sức quan trọng, song cũng tạo ra rủi ro cho tín dụng của Nhà nước.
ông Arne Fraemk - Trưởng Dự án Tăng cường quản lý tài chính công thuộc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ Việt Nam. Ảnh: Đức Minh |
Ông Arne Fraemk khẳng định, GIZ đang nỗ lực hết sức hỗ trợ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hợp tác nhiều hơn với các nhà đầu tư thông qua việc minh bạch, chia sẻ thông tin báo cáo tài chính...
Các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận thông tin chất lượng cao
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết là công tác xếp hạng tín nhiệm và tổ chức triển khai quan hệ nhà đầu tư.
Đại diện cho Ngân hàng Standard Chartered, ông Karby Leggett - Trưởng nhóm Các tổ chức chính thức toàn cầu chia sẻ, đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam bàn về xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việt Nam đang chuyển đổi xếp hạng tín nhiệm từ dưới hạng mức "Đầu tư" sang hạng mức "Đầu tư".
Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia giúp Việt Nam giảm chi phí huy động vốn khi chuyển từ xếp hạng BB sang 3B-, tức là sang mức huy động vốn mới. Điều này cho phép Chính phủ Việt Nam có nhiều linh động trong việc huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, duy trì nội dung chi thường xuyên cho y tế, giáo dục…
Ông Karby Leggett - Trưởng nhóm Các tổ chức chính thức toàn cầu, Ngân hàng Standard Chartered. Ảnh: Đức Minh |
“Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được định mức xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2030. Qua trao đổi với Chính phủ Việt Nam, từ các số liệu báo cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam đạt được mục tiêu trước mốc thời gian vào năm 2030” - ông Karby Leggett phát biểu.
Theo ông Karby Legget, bên cạnh những thế mạnh nêu trên, hiện nay xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có hạn chế, thách thức như: Các rủi ro tài chính vĩ mô tiềm ẩn xuất phát từ gia tăng tín dụng tương đối cao và nợ tại khu vực tư nhân; Rủi ro nợ tiềm ẩn do những hạn chế về cơ cấu trong lĩnh vực ngân hàng....
"Hiện nay, các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận thông tin chất lượng cao từ sự minh bạch dữ liệu. Các quốc gia phải đăng ký tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt hoặc tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt mở rộng; phải công bố dữ liệu về hoạt động của Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài một cách kịp thời với dữ liệu mới nhất không quá 12 tháng; dữ liệu phải được tổng hợp theo từng quý... Vì vậy cần thiết lập cơ quan chuyên trách của Chính phủ có nhiệm vụ quan hệ nhà đầu tư”./.