7 nhóm sản phẩm giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD

Đánh giá về tình hình xuất khẩu (XK) sản phẩm nông nghiệp từ đầu năm đến nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn tác động đến thị trường nông sản nhưng đến nay ngành Nông nghiệp vẫn đạt các kết quả khả quan.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK nhóm nông sản chính đạt gần 15 tỷ USD, tăng 7,4%; lâm sản chính trên 11,8 tỷ USD, tăng 6,2%; thủy sản trên 7,5 tỷ USD, tăng 35,3%... Đặc biệt, có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK trên 2 tỷ USD là: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Nhiều mặt hàng đạt giá trị XK cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng 40,3%; cao su trên 2 tỷ USD, tăng 8,1%; gạo trên 2,3 tỷ USD, tăng 8,1%...

Bộ NN&PTNT nhận định, toàn ngành tiếp tục tái cơ cấu và ngày càng đi vào chiều sâu. Đó là tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt rễ vào trong sản xuất. Điều đó được thể hiện ở việc trước đây người sản xuất mang ra thị trường những gì mình có, nay đang chuyển sang bán cái thị trường cần.

Tôm là một trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.
Tôm là một trong nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT gia tăng các ngành hàng XK có giá trị, chất lượng. Ví dụ, trong lĩnh vực trồng trọt các loại quả tươi chủ lực như xoài, thanh long, chanh leo, nhãn, vải... đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản chủ lực như: sầu riêng, khoai lang, ớt, bưởi sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường để gia tăng sản phẩm. Với sản phẩm sữa, đến nay có 11 nhà máy của 7 công ty được XK chính ngạch các loại sản phẩm sữa sang Trung Quốc. Đối với sản phẩm thịt gà chế biến, bộ cũng đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sản phẩm này sang Hàn Quốc, Singapore, châu Âu, Anh, các nước Trung Đông; cùng với đó tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa...

Trước những khó khăn về thị trường, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, XK chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nga, Braxin và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến. Quá trình phát triển vẫn còn nhiều yếu tố thiếu bền vững; chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vẫn chưa cao; trong khi thị trường tiêu thụ đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm...

Tích cực đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm để về đích, đạt mục tiêu XK nông, lâm, thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao.

Đối với XK nông sản, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thành đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn XK đi Nhật Bản; tiếp tục đàm phán các sản phẩm chanh leo, dừa đi Hoa Kỳ, bưởi sang Hàn Quốc, cây có múi đi New Zealand... Song song với đó, triển khai nghị định thư về sầu riêng và hướng dẫn tạm thời đối với chanh leo XK sang Trung Quốc; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống XK sang Trung Quốc.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 66 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 66,2 tỷ USD, tăng 8,7% (so với cùng kỳ năm trước); trong đó, xuất khẩu ước khoảng 36,3 tỷ USD, tăng 13,1%; nhập khẩu ước khoảng 29,9 tỷ USD, tăng 3,9%; xuất siêu trên 6,3 tỷ USD, tăng 94,6%.

Đồng thời, ngành Nông nghiệp rà soát, điều chỉnh các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và thực tiễn sản xuất. Cùng với đó, ngành triển khai chủ động, có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT chủ động chuẩn bị tốt các hồ sơ kỹ thuật, tích cực đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản XK chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng. Điển hình với thị trường Trung Quốc có sản phẩm tổ yến, bơ, bưởi, na, roi, dừa…; thị trường Nhật Bản thúc đẩy sản phẩm nhãn, bưởi, chanh leo...; thị trường Hàn Quốc có sản phẩm tôm, bưởi, vú sữa, chanh leo, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến... Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ giải quyết các vấn đề rào cản kỹ thuật phát sinh tạo điều kiện thuận lợi cho XK...

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất gắn với XK; phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng; phối hợp chặt chẽ Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, các địa phương tăng cường giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; tiếp tục thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương.

Phấn đấu đến 30/9 giải ngân vốn đầu tư công lĩnh vực nông nghiệp đạt 42%

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, 8 tháng đầu năm, Bộ NN&PTNT đã phân bổ hết 6.438 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; khối lượng giải ngân đạt khoảng 1.991 tỷ đồng, đạt 30,9% vốn đã giao. Nguyên nhân giải ngân thấp, ngoài vướng mắc đối với 3 dự án lớn chuyển tiếp; các dự án mở mới năm 2022 phải qua 3 giai đoạn thiết kế nên 9 tháng đầu năm chủ yếu là công tác tư vấn, khảo sát thiết kế, dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp, khối lượng giải ngân tập trung vào quý IV/2022.

Bộ NN&PTNT phấn đấu giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đến 30/9 đạt 2.704/6.438 tỷ đồng, đạt 42%, trong đó vốn trong nước 41%, vốn nước ngoài 50,6%. Đối với các dự án chuyển tiếp, Bộ NN&PTNT yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện giải ngân chi tiết hàng tháng phù hợp với thực tế hiện trường; chấp thuận để đôn đốc thực hiện; bám sát mục tiêu giải ngân yêu cầu…

Đối với các dự án mở mới, Bộ NN&PTNT đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư các dự án đã được phê duyệt dự án tiến hành thủ tục đấu thầu tư vấn, khảo sát lập thiết kế kỹ thuật; bản vẽ thi công… đảm bảo đúng pháp luật, đáp ứng tiến độ thực hiện, giải ngân; đôn đốc đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ trong quá trình khảo sát thiết kế, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng đủ điều kiện trình phê duyệt dự án.