Xuất nhập khẩu khởi sắc nhưng thu ngân sách chưa tương xứng
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Các mặt hàng trọng điểm thu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 29/2, toàn ngành thu nộp ngân sách nhà nước đạt 56.420 tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm 2024, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Đánh giá cho thấy, mặc dù tình hình xuất nhập khẩu cả nước trong 2 tháng đầu năm ghi nhận kim ngạch tăng 19,2% nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan lại giảm. Chỉ tính riêng số thu ngân sách nhà nước tháng 2 chỉ đạt 25.118 tỷ đồng, giảm 19,8% so với tháng 1/2024.

Dự toán thu năm 2024 là 375 nghìn tỷ đồng

Năm 2024, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 375.000 tỷ đồng. Dự toán được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 - 6,5%; giá dầu thô 70 USD/thùng.

Nguyên nhân giảm thu là do kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng chính giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đơn cử, do tác động của ưu đãi về thuế suất nhập khẩu xăng từ thị trường ASEAN, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu từ ASEAN thay vì nhập khẩu từ Hàn Quốc với mức thuế suất xăng là 8%. Do đó 2 tháng đầu năm, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, trị giá đạt 897 triệu USD, giảm 23,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá.

Hay như một mặt hàng quan trọng thường mang về số thu lớn là ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, 2 tháng qua, lượng nhập khẩu chỉ đạt gần 16.500 chiếc, trị giá 345 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, giảm 38,4% về lượng và giảm 39% về trị giá. Nếu tính riêng nửa đầu tháng 2, cả nước nhập khẩu 3.925 ô tô các loại, kim ngạch đạt 76,3 triệu USD. Số lượng này giảm tới hơn 50%; trong khi kim ngạch giảm gần 53%. Các thị trường nhập khẩu ô tô chủ yếu vẫn đến từ châu Á với các cái tên quen thuộc như Indonesia, Thái Lan.

Ngoài ra, việc thực hiện dự toán thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố chiếm số thu lớn chỉ đạt 47.513 tỷ đồng, bằng 14,35% dự toán được giao, giảm 4,78% so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị có chỉ số thu ngân sách nhà nước giảm như: Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh giảm 15,91%; Cục Hải quan Hải Phòng giảm 9,88%; Cục Hải quan Hà Nội giảm 6,9%....

Không để tình trạng thất thu

Tới đây, ngoài việc triển khai các nhiệm vụ chung, các cục hải quan tỉnh, thành phố đang được chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình tại đơn vị; chủ động đánh giá tác động của các cam kết hội nhập quốc tế đến thu ngân sách nhà nước tại đơn vị mình.

Cùng với đó, theo bà Nguyễn Như Quỳnh - Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), việc rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế là hết sức quan trọng để chống thất thu. Cụ thể, các đơn vị chủ động phân loại các nhóm nợ, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp, đưa ra biện pháp xử lý theo đúng quy định; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định của pháp luật, giảm nợ đọng thuế, định kỳ công khai các doanh nghiệp nợ thuế; không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2024 cao hơn thời điểm 31/12/2023.

Xuất nhập khẩu khởi sắc nhưng thu ngân sách chưa tương xứng
Công chức hải quan kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu. Ảnh: Lê Thu.

Đặc biệt, ngành Hải quan cần tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ,... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn.

Bằng các nghiệp vụ trong quá trình thông quan hàng hóa, hải quan các địa phương tổ chức kiểm tra, xác định dấu hiệu nghi vấn mức giá kê khai, thực hiện tham vấn trị giá, xác định trị giá hải quan ấn định trong thông quan và kiểm tra, xác định trị giá hải quan ấn định sau thông quan đối với các tờ khai hải quan, doanh nghiệp có rủi ro về trị giá hải quan; tổ chức tham vấn trị giá phải đầy đủ các bước nghiệp vụ, từ khâu chuẩn bị đến khâu ban hành thông báo xác định trị giá.

Đồng thời, các đơn vị rà soát, kiểm tra mã số, tên hàng, mức thuế suất tại khâu thông quan hoặc khâu sau thông quan để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cố tình gian lận, khai sai mã số, khai sai tên mặt hàng, khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được hưởng mức thuế suất thấp hơn hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi.

Cơ quan hải quan các cấp thực hiện đánh giá thông tin rủi ro trong việc khai sai mô tả hàng hóa, khai sai mục đích sử dụng, khai sai mã số hàng hóa, khai sai số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa để được áp dụng mức thuế suất thấp, mức thuế ưu đãi đặc biệt đối với các lô hàng thuộc luồng Xanh đã được thông quan hàng hóa, thực hiện kiểm tra sau thông quan trong phạm vi 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng hàng thuộc luồng Xanh để khai báo mã số, mức thuế không đúng quy định, thu đủ thuế và xử lý vi phạm;

Cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin kết quả kiểm tra phân loại hàng hoá và áp dụng mức thuế vào Hệ thống cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hoá; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để đánh giá những rủi ro về công tác phân loại và áp dụng mức thuế trong toàn đơn vị, kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh và xử lý đối với cán bộ công chức, lãnh đạo và bộ phận có liên quan thực hiện không đúng quy định;

Thực hiện công tác giám sát hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất, kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, hàng hóa quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, phương tiện vận tải.../.