Phạm Hải Bằng xét xử

Bị cáo Phạm Hải Bằng lĩnh án 12 năm tù giam. Ảnh T.L

>> Viện Kiểm sát đề nghị tuyên Phạm Hải Bằng 11 đến 13 năm tù

Thoát tội nhận hối lộ

Theo tài liệu từ phía Nhật Bản, nhóm bị cáo này đã có hành vi gây khó khăn cho nhà thầu JTC để vòi tiền. Hành vi này có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, song do công tác hỗ trợ tư pháp Việt Nam - Nhật Bản gặp khó khăn nên hành vi vòi vĩnh nhận hối lộ của các bị cáo được chuyển thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo nhận định của đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm mặc dù là công chức, viên chức Nhà nước nhưng đã cố ý làm trái công vụ, nhận 11 tỷ đồng của JTC, gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới quan hệ đối tác ODA giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong các văn bản cũng không có quy định nào về việc nhà thầu tư vấn phải chịu trách nhiệm chi tiền lễ, tết, nghỉ mát... cho Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). Do vậy việc gây khó khăn để vòi vĩnh nhận số tiền 69,9 triệu Yen Nhật là hành vi trái pháp luật.

Với hành vi làm trái công vụ, trái pháp luật, các bị cáo lại là công chức, viên chức và cán bộ nhà nước thì phải sự điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng. “Theo luật pháp Nhật Bản, mọi khoản chi ngoài hợp đồng đều là trái pháp luật. JTC cũng đã bị cơ quan thực thi pháp luật của Nhật Bản truy tố, xét xử về hành vi đưa 69,9 triệu Yen cho RPMU. Do vậy, hành vi nhận số tiền 11 tỷ đồng của bị cáo Phạm Hải Bằng và đồng phạm là trái pháp luật...”

Bào chữa cho Phạm Hải Bằng, Luật sư Hoàng Huy Được cho rằng, RPMU là doanh nghiệp được thành lập bởi một doanh nghiệp (là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - VNR), có đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội thì không thể nói RPMU là cơ quan sự nghiệp công lập có thu và không chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống tham nhũng. Luật sư Phạm Văn Kỳ lại cho rằng, việc đưa và nhận 11 tỷ đồng là tài sản của JTC và JTC có toàn quyền định đoạt để làm sao kết quả cuối cùng vẫn có lãi vì vậy không thể nói khoản tiền đó là trái pháp luật..

Nhận tiền nhưng vẫn cãi vô tội

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Lục cho rằng mình không đáng bị như thế này và đã bị áp đặt trong việc buộc tội của VKS.

Bị cáo Lục lý luận rằng có những việc quản lý dự án là công việc nhạy cảm, ở thời điểm này có thể là đúng, nhưng ở thời điểm khác, hay đứng ở một góc nhìn khác lại là sai. Do vậy bị cáo mong HĐXX khoan hồng khi lượng hình.

Đến lượt mình, Phạm Hải Bằng bật khóc: “Đến thời điểm này, bị cáo cũng không biết những nỗ lực để hoàn thành công việc được giao của bị cáo là đúng hay là sai. Nếu Tòa nói có tội thì bị cáo cũng đành chịu, chứ thực sự bị cáo chưa bao giờ có ý định vụ lợi...”. Còn bị cáo Trần Quốc Đông thì hy vọng HĐXX có đủ bản lĩnh để đưa ra phán quyết công minh nhất.

Sau hơn 1 tiếng nghị án, HĐXX đã tuyên đọc bản án. Theo đó, bị cáo Phạm Hải Bằng lĩnh án 12 năm tù giam, và buộc phải bồi thường 3,5 tỷ đồng; Nguyễn Nam Thái 11 năm tù giam, bồi thường 2,5 tỷ đồng; Phạm Quang Duy 8 năm 6 tháng tù giam, bồi thường 2 tỷ đồng; Trần Văn Lục 5 năm 6 tháng tù giam; Trần Quốc Đông 7 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Văn Hiếu 7 năm 6 tháng tù giam. Cả 3 bị cáo Lục, Đông và Hiếu phải bồi thường số tiền 359.283.000 đồng. Đây là số tiền các bị cáo phải nộp sau khi đã trừ số tiền khắc phục hậu quả./.

P.V