Công tác điều tra, phá án từng bước được nâng cao
Trong phiên làm việc sáng 21/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023…
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Lợi dụng tình hình, tội phạm nổi lên hoạt động làm phức tạp thêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chính phủ, ngành Tư pháp đã triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống tội phạm, đạt được nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; những vụ việc nổi lên được xử lý kịp thời; kìm chế, không để phát sinh phức tạp; các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy, cướp ngân hàng, giết người, cướp của có động cơ khác nhau được phát hiện, xử lý đến nơi, đến chốn, cho dù là cán bộ cấp cao hay thấp, doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nền kinh tế…
“Việc này tạo dấu ấn lan tỏa, quan trọng để cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa. Công tác điều tra, phá án từng bước được nâng cao, hầu hết các vụ án có tính chất nghiêm trọng đều được làm sáng tỏ. Đó là kết quả đáng trân trọng của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án và các phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” - đại biểu nêu rõ.
Bên cạnh các kết quả này, đại biểu cũng đánh giá các loại tội phạm có loại giảm không nhiều, có loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 40 - 50%, số vụ giết người tăng hơn 12%, cướp tài sản tăng hơn 44%, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng hơn 61%, cho vay nặng lãi tăng hơn 67%, gây rối trật tự công cộng tăng 80%, tội phạm công nghệ thông tin mạng Internet tăng hơn 200 vụ, xâm hại trẻ em tăng hơn 41%.
Tai nạn giao thông mặc dù có giảm, vụ cháy nổ lại tăng mạnh, nhưng mỗi khi có những sự cố xảy ra, số người chết và bị thương lại mang tính tập thể, đó cũng là điều đáng báo động. Tội phạm hoạt động đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp đã xuất hiện băng, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia để in ấn, mua bán bằng cấp, giấy tờ giả ở nhiều địa phương. Hay vụ tiếp viên hàng không vận chuyển 11kg ma túy được giấu trong tuýp kem đánh răng, “đây là một hiện tượng rất bất thường” - đại biểu nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, điều này thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực. Trong đó có thể kể ra một số vụ nổi cộm, như vụ bạo loạn khủng bố có vũ trang xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, có cán bộ, chiến sĩ công an và cán bộ lãnh đạo xã. Đại biểu cho rằng “đây là vụ điển hình cho sự lơ là, mất cảnh giác của cán bộ ở cơ sở và tranh chấp đất đai ở nơi đây, gây dư luận xã hội không tốt”.
Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 21/11. |
Lãng phí cũng có thể gây thất thoát như tham nhũng
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về trật tự an ninh những điểm nóng, chấm điểm phức tạp. Rút kinh nghiệm sự việc xảy ra, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc có chất lượng, nắm chắc tình hình cụ thể, không để xảy ra vụ việc tương tự.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lưu ý, trong năm 2023, tội phạm tham nhũng chức vụ tăng hơn 51% về số vụ, số người tăng hơn 96%, trong đó tội nhận hối lộ tăng hơn 346%. Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt, phát hiện đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Điều đáng quan tâm là những vụ án tham nhũng đều có liên quan đến người đứng đầu, lợi dụng pháp luật chưa chặt chẽ cấu kết với nhau để thực hiện hành vi tham nhũng, trục lợi. |
Trong đó, đại biểu nhắc đến vụ án Vạn Thịnh Phát, với vụ việc cán bộ thực hiện hành vi làm khống cả ngàn hồ sơ để vay tín dụng của ngân hàng SCB, thậm chí trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Theo đại biểu, đây là một vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền bị chiếm dụng rất cao, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất.
“Vụ này có thể chỉ là bề nổi của một tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản, tiền của các đối tượng này trong vụ án” - đại biểu đoàn Đồng Tháp cho biết.
Cũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đại biểu cho hay, dư luận đang đặt vấn đề có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển tiền từ tiền gửi ngân hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư. Hậu quả là có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại, làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm.
Ngoài ra, dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm bất động sản, chi tiêu…, số này lại chưa phát hiện để xử lý. Theo đại biểu, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh thì có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng.
Xuất phát từ những vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ mong muốn Chính phủ và các ngành chức năng đánh giá thật kỹ, khách quan, cầu thị về những thực trạng trên, nhất là trong các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu, lấy lại lòng tin với người dân./.