Doanh nghiệp thận trọng trong đầu tư, mở rộng sản xuất

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố mà nhà điều hành hướng đến. Tính đến ngày 24/6/2016, tín dụng nền kinh tế tăng 6,82% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ (nửa đầu năm 2015 tăng 6,37%).

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, định hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên không được như kỳ vọng. Số liệu tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên cho thấy mặt bằng lãi suất ở mức thấp không thực sự kích thích nhu cầu sử dụng vốn vay ở các lĩnh vực được ưu tiên. Đổi lại, tín dụng tăng tốt ở những lĩnh vực khác nhưng do đà tăng mạnh của năm trước, tốc độ tăng trong năm 2016 có vẻ đang chững lại.

VSDC đáng giá, dòng vốn vào nền kinh tế nhìn chung vẫn tốt, nhưng do sự thận trọng của doanh nghiệp, ngân hàng tiếp tục đổ tiền vào trái phiếu chính phủ. Nửa đầu năm nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 187.700 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ trúng thầu bình quân là 80,05%. Do nhu cầu trái phiếu chính phủ cao, thị trường đã dần chấp nhận trái phiếu có kỳ hạn dài hơn. Với kỳ hạn đi vay dài hơn, VDSC kỳ vọng áp lực trả nợ có thể giãn bớt trong 2-3 năm tới.

Tăng cung tiền tác động lên lãi suất, lạm phát và tỷ giá

Diễn biến cung tiền và tín dụng trong nửa đầu năm 2016 làm VDSC liên tưởng đến diễn biến của hệ thống tiền tệ trong giai đoạn 2012-2014, khi đó, tổng phương tiện thanh toán hàng năm đều tăng vượt trội so với tăng trưởng tín dụng. Khi cung tiền tăng nhanh hơn tín dụng, hai rủi ro chính cần được cảnh báo chính là các ngân hàng có thể dễ dãi trong việc đẩy vốn vào lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, chứng khoán hay cho vay tiêu dùng…) và lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại.

Trong giai đoạn trước, NHNN đã thành công trong việc kéo giảm lãi suất để thúc đẩy tín dụng tăng trở lại. Tuy nhiên, hiện tại, VDSC cho rằng, lãi suất điều hành khó có thể giảm thêm. Do đó, với nhịp độ cung tiền giữ nguyên, trong bối cảnh định hướng thúc đẩy vốn vào lĩnh vực ưu tiên và sản xuất chưa thành công như mong đợi, lượng tiền lưu thông trong hệ thống nếu như không đi vào TPCP thì sẽ dịch chuyển đến tiêu dùng hoặc kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán.

Đối với rủi ro lạm phát, VDSC cho rằng, chưa đáng quan ngại bởi lạm phát kỳ vọng hiện đang chịu tác động lớn của kỳ vọng hồi phục giá hàng hóa thế giới. Với bức tranh kinh tế thế giới còn rất ảm đạm, Công ty này đánh giá, mặt bằng giá hàng hóa thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước thêm một thời gian nữa. Ngoài ra, trong các hiệu ứng của cung tiền lên lạm phát, lượng tiền dư thừa so với hàng hóa vật chất sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng theo. “Dù vậy, quan sát thấy sự thận trọng của doanh nghiệp sản xuất, hiệu ứng cung tiền lên lạm phát chưa diễn ra trong ngắn hạn”, Công ty này cho hay.

Còn với tỷ giá, theo VDSC, có nhiều lý do để diễn biến tỷ giá trong nước khá êm đềm sau sự kiện Brexit. Thứ nhất là dòng vốn nước ngoài khá ưa thích thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm với hơn 7,3 tỷ USD vốn giải ngân trực tiếp cộng với cán cân thương mại duy trì thặng dư khoảng 1 tỷ USD. Thứ hai là hiệu quả trong chính sách tỷ giá mới thể hiện khi hạn chế được tâm lý đầu cơ. Thứ ba là, mặc dù nhu cầu vay USD có tăng trở lại sau khi NHNN mở lại vay ngoại tệ từ đầu tháng 6/2016, nhưng vay vốn bằng ngoại tệ vẫn giảm khoảng 4,6% trong nửa đầu năm, đồng thời nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng hạn chế do thương mại kém khả quan.

Trong nửa cuối năm, “áp lực phá giá đối với tiền đồng sẽ mạnh hơn (do ảnh hưởng của sự phá giá đồng NDT), tuy nhiên, sự chủ động và thời điểm kỳ vọng trong khả năng của điều hành của NHNN”, Công ty này nhận định./.

D.T