Bài cuối: Duy trì chính sách tài khóa thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm
Tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử. Ảnh tư liệu
Loạt bài: Chính sách tài khóa - Bệ đỡ cho phục hồi, phát triển nền kinh tế Bài 4: Bệ đỡ cho tăng trưởng là tài khóa nhưng cần sự đồng hành của các chính sách khác Đại biểu Quốc hội: Chưa bao giờ nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua gió ngược

Cân nhắc tránh ảnh hưởng mục tiêu cân đối ngân sách

Thời gian qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp khá nhịp nhàng với các bộ, ngành khác trong việc tham mưu và triển khai thực hiện các chính sách, phát huy tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì một số lý do cả chủ quan lẫn khách quan, nên một số chính sách chưa thực sự phát huy tác dụng tốt như: chính sách phát triển thị trường vốn, lãi suất; phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy đầu tư công ở một số ngành, lĩnh vực...

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chính sách tài khóa chỉ thực sự phát huy tốt tác dụng khi được triển khai đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách tiền tệ, thông qua công cụ lãi suất và hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thị trường vốn…; thu hút vốn trong, ngoài nước; đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công.

Trong câu chuyện với phóng viên TBTCVN, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, về lâu dài các gói hỗ trợ tài khóa cũng cần phải tính toán thận trọng hơn. Bởi trên thực tế, các chính sách tài khóa đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được thụ hưởng, về lâu dài cần cân nhắc tránh ảnh hưởng tới mục tiêu cân đối ngân sách.

Những hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cũng được nhiều chuyên gia của các tổ chức quốc tế có uy tín khuyến cáo lâu nay. Theo đó, Việt Nam nên hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách về xã hội trong chính sách pháp luật về thuế. Theo Kế hoạch Cải cách hệ thống thuế đến năm 2025, Bộ Tài chính đã đặt ra mục tiêu này, tuy nhiên quá trình thực hiện còn tùy vào diễn biến thực tế khi nền kinh tế, doanh nghiệp cần, Chính phủ phải “dang tay” giúp đỡ. Như đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, đặt mục tiêu sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi thuế không còn phù hợp; hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn.

Thu ngân sách đối mặt nhiều thách thức

Trong bối cảnh phải triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong những năm gần đây, ở từng thời điểm vẫn có hiện tượng suy giảm. Thu nội địa giảm so với cùng kỳ năm trước với mức giảm thu diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực tại nhiều địa phương. Điều đáng lo ngại hơn là, các giải pháp về chính sách giảm thuế được ban hành với quy mô lớn ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách của cả trung ương và địa phương.

Không thể duy trì mãi các gói hỗ trợ về thuế

Bài cuối: Duy trì chính sách tài khóa thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm

“Chúng ta phải có cái nhìn công bằng hơn, khi doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã nâng đỡ, hỗ trợ, nhưng không thể phụ thuộc mãi. Ngoài ra, cần chia sẻ với ngành Tài chính. Tư duy của người “nắm hầu bao” đó là phải đảm bảo an ninh, an toàn, giữ vững tiềm lực tài chính quốc gia, phải cân đối thu - chi NSNN, đã đến lúc không thể thực hiện mãi các gói hỗ trợ về thuế như hiện nay”- Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Để đảm bảo mục tiêu thu NSNN, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu NSNN, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản…

Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế trong nước đang dần hồi phục và dự kiến sẽ lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2025. Tuy nhiên, vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, kể cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa vẫn phải cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu quan trọng là vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng hay thắt chặt tài khóa cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt đa mục tiêu.

Là người am hiểu về ngành Tài chính, PGS. TS. Ngô Trí Long hiến kế: "Thời điểm này nên cân nhắc đến thực hiện chính sách tài khóa như trong bối cảnh bình thường. Theo ông, nếu nói là chính sách tài khóa thắt chặt chưa hẳn chính xác, bởi chúng ta chỉ trở về trạng thái “bình thường cũ”, như trước đây chúng ta thực hiện, chính sách tài khóa thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm".

Có ý kiến cho rằng, trước mắt, nên chuyển sang áp dụng chính sách tài khóa trung lập bằng cách nên dừng miễn, giảm thuế, gia hạn thuế. Điều này cũng nên được công bố sớm và nhất quán để các chủ thể kinh tế chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Ngành Tài chính phát huy sự chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo ngành Tài chính tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt hoàn thành các nhiệm vụ. Bộ Tài chính chủ động các phương án, kịch bản về chính sách tài khóa. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi ngân sách hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Theo các chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý và bền vững trong dài hạn. TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nêu quan điểm, việc thực hiện chính sách tài khóa nên trở lại bình thường theo hướng thận trọng, bởi việc hỗ trợ kéo dài trên diện rộng không nên duy trì lâu. “Tính hiệu quả của chính sách này chỉ phù hợp trong bối cảnh nhất định. Về mặt quản lý, vai trò của NSNN là đảm bảo các nhiệm vụ chi cơ bản cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…, còn việc hỗ trợ doanh nghiệp thì chỉ trong thời gian, tình huống nhất định” - ông Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Thực tế, điều doanh nghiệp mong muốn nhất cũng không phải là sự hỗ trợ bằng tiền từ Nhà nước mà là môi trường đầu tư, là không gian để doanh nghiệp phát triển. Do đó, định hướng hỗ trợ, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp bằng các chính sách tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh là rất đúng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để vốn đầu tư công trở thành đòn bẩy hiệu quả cho khu vực tư, chẳng hạn như chính sách về thu hút đầu tư PPP. Khi đó, một mặt ngân sách bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn đó cho giáo dục, y tế; mặt khác, khu vực tư nhân lại có thêm không gian phát triển.

Tuy nhiên, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Những năm qua, chính sách tài khóa đã gánh phần lớn trong hỗ trợ kinh tế thì bây giờ chính sách tiền tệ phải phát huy vai trò của mình để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường. Lúc này thị trường tiền tệ, lãi suất, thị trường vốn phải vận hành phù hợp, đảm bảo vốn cho doanh nghiệp là bài toán cần phải tính đến.