Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh |
Hỗ trợ kinh tế phục hồi, nợ công giảm ngoạn mục
Là cơ quan cao nhất thực hiện quyền lực của dân, Quốc hội giám sát tối cao nhiều chính sách quan trọng, như quyết sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ lực là chính sách tài khóa đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhờ triển khai chính sách tài khóa linh hoạt, tài tình, đất nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong 3 năm khó khăn khi nước ta phải đối phó với đại dịch Covid-19 nhưng thu ngân sách không giảm, nợ công lại kéo giảm rất ngoạn mục. Nợ công và nợ chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023, trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững. Các khoản vay được cơ cấu lại với chi phí thấp, kỳ hạn dài. Việt Nam được đánh giá là một trong số quốc gia có nợ công giảm. Đây là yếu tố quan trọng và là dư địa thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cho dù chúng ta có thể chấp nhận mức bội chi cao hơn.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) nhận định, trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ đã rất quyết liệt, năng động, thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để có nguồn lực ngân sách thực hiện các chương trình đề ra trong Nghị quyết 43/2022/QH15. Chính phủ cũng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm thuế, phí, giúp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Điểm sáng là chính sách hỗ trợ đến với người dân, doanh nghiệp”
Ở góc độ thực tiễn, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp và khẳng định “đây chính là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam”.
Nhờ nguồn lực tài chính vững mạnh nên có dư địa hỗ trợ cho nền kinh tế Chưa bao giờ đất nước ta có được nền tảng tài chính quốc gia vững mạnh như hiện nay. Thu NSNN đều đạt và vượt dự toán; bội chi thấp hơn dự toán; nợ công, nợ chính phủ nằm trong giới hạn an toàn…, nhờ đó đã có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng, hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Đại biểu đồng tình với nhiều ý kiến trước đó khi cho rằng, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước (NSNN) và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời; các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư.
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bích Ngọc (Hòa Bình) khẳng định, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Theo đại biểu, các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ NSNN và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.
Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nêu những con số tăng trưởng GDP, tăng giải ngân đầu tư công đến 635km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giảm nợ công, bội chi NSNN và cho rằng “đó là những kỳ tích của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với nền kinh tế”.
Theo các đại biểu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường… “Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông” - đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải nói.
Thu ngân sách bền vững hơn để có nguồn tăng chi Vượt qua những “cơn gió ngược”, đến nay nước ta đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Làm nên kết quả đó, có sự đóng góp rất quan trọng của chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực điều hành của Bộ Tài chính thời gian qua. Các đại biểu nhận định: Chính sách tài khóa góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ. Đánh giá về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thu NSNN đến nay đã bền vững hơn. Nguồn thu hiện nay chủ yếu dựa trên năng lực của nền kinh tế, có nghĩa là thu nội địa, thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh thu từ thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô giảm. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, cộng với yếu tố bất lợi đến từ kinh tế thế giới, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại khi tăng trưởng kinh tế không đạt sẽ tác động đến thu NSNN. Tăng trưởng thấp và những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sẽ tác động đến nguồn thu ngân sách. Còn nhớ, thời điểm những tháng giữa năm 2023, do hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó, khiến nhiều nguồn thu sụt giảm so với năm ngoái, công tác thu NSNN gặp khó khăn. Để đảm bảo cho các nguồn thu bền vững, phải tăng được tổng cầu của nền kinh tế. Có nghĩa phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật và thúc đẩy vấn đề thu hút đầu tư để đầu tư tư nhân, đầu tư ngoài NSNN. Đồng thời, tăng tổng cầu thông qua đầu tư công, giải ngân nguồn đầu tư công cũng như tăng tiêu dùng và tăng xuất nhập khẩu, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp phát triển. Khi “sức khỏe” của doanh nghiệp tốt, thì có nghĩa là năng lực của nền kinh tế tốt, nguồn thu của đất nước sẽ bền vững. |