Bán vốn nhà nước: Kết quả thành công ở VNM kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa

Lần bán vốn thứ 2 của VNM, SCIC đã chuyển hướng trọng tâm sang các nhà đầu tư tại khu vực châu Á.

Tuy nhiên, từ sự thành công ngoạn mục tại phiên đấu giá 3,33% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cũng như việc thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, với dòng tiền tham gia thị trường cực lớn như đang thổi một luồng sinh khí mới và kỳ vọng lớn cho hoạt động bán vốn nhà nước trong tháng cuối năm này…

Khi “hàng tốt” được bày bán hợp lý

Thị trường chứng khoán Việt đã chứng kiến nhiều kỷ lục trong tháng 11 vừa qua, khi đây là tháng có mức tăng trưởng mạnh nhất trong một thập niên qua, đồng thời là tháng có mức độ mua ròng lớn chưa từng thấy của nhà đầu tư nước ngoài từ trước tới nay và thúc đẩy dòng tiền khổng lồ ào ạt chảy vào thị trường... Nhưng một kết quả không thể không nhắc đến trong tháng 11 qua, đó là kết quả ngoạn mục trong việc bán vốn nhà nước tại VNM của SCIC.

Cụ thể, vào ngày 10/11/2017, SCIC đã hoàn tất đợt chào bán cổ phần nhà nước tại VNM do SCIC đại diện chủ sở hữu, với tổng số lượng 48,33 triệu cổ phần (tương ứng 3,33% vốn điều lệ của Vinamilk). Kết quả, toàn bộ số cổ phiếu chào bán này đã được nhà đầu tư JC&C - Tập đoàn có trụ sở tại Singapore mua trọn, với mức 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn tới 24% so với giá khởi điểm chào bán (151.200 đồng/cổ phần). Tổng giá trị bán cổ phần thu về cho Nhà nước đạt gần 9.000 tỷ đồng.

Với kết quả thu được vượt gần 2.000 tỷ đồng so với giá trị tính trên giá khởi điểm đã làm cho sự kiện này trở thành tâm điểm chú ý của cả giới đầu tư và giới phân tích thị trường chứng khoán.

Một số ý kiến phân tích cho rằng, thành công của đợt thoái vốn này của SCIC là đã tìm đúng, tìm nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư hoàn toàn mới với thị trường Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, số nhà đầu tư tham gia đợt đấu giá cổ phiếu VNM lần này tăng đáng kể so với đợt bán 9% vốn VNM của SCIC vào cuối năm 2016, khi chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia đấu giá. Còn trong đợt đấu giá lần này, đã có tới 19 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 11 tổ chức trong nước và nước ngoài, 8 nhà đầu tư cá nhân.

Theo thông tin từ SCIC cho biết, trong đợt bán vốn VNM lần 2 này của SCIC đã có nhiều sự khác biệt so với lần bán vốn lần 1 cuối năm 2016. Lần 1, SCIC chủ yếu chú trọng giới thiệu tới các nhà đầu tư khu vực châu Âu, còn ở lần 2 này, SCIC đã chuyển hướng trọng tâm sang các nhà đầu tư tại khu vực châu Á.

Đây được coi là một trong những thay đổi quan trọng trong việc xác định định hướng tìm nhà đầu tư của SCIC trong lần bán vốn này. Cùng với đó, SCIC cũng đã áp dụng khá nhiều điểm mới cho đợt thoái vốn này. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết: Trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện bán vốn của SCIC tại Vinamilk vào năm 2016, SCIC đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, như cho đặt cọc bằng tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán…

Ông Nguyễn Đức Chi cho rằng, quy trình chào bán cổ phần của SCIC được thực hiện một cách công khai, minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Ngày 18/10/2017, SCIC phối hợp với HOSE, Vinamilk và Liên danh tư vấn tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinamilk, trước đó đã tổ chức giới thiệu trực tiếp ở 2 thị trường lớn ở châu Á là Singapore và Hongkong.

Bên cạnh những điểm mới đó, một số ý kiến của giới phân tích nhận xét cho rằng, SCIC đã tính toán thời điểm bán vốn phù hợp hơn. Bởi, ở đợt bán vốn ở năm ngoái, phiên chào bán tổ chức vào ngày 12/12, đây là thời điểm rất gần với kỳ nghỉ lễ dài ngày của giới đầu tư nước ngoài, cũng như thời điểm chốt giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư và đó là những yếu tố đã không lường hết. Nhưng ở đợt chào bán lần 2 này, SCIC đã đẩy thời điểm lên sớm hơn 1 tháng và đưa ra nhiều quy định thay đổi theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá. Chính vì vậy đã thu được kết quả tích cực và vượt qua cả những dự kiến ban đầu đưa ra.

Lan tỏa sức hấp dẫn cho các đợt bán vốn nhà nước

Có thể thấy rằng, kể từ khi SCIC công bố giá khởi điểm cổ phần đối với đợt chào bán cạnh tranh hơn 48 triệu cổ phần VNM được công bố ngày 1/11, giá cổ phiếu VNM đã “gió đổi chiều”, từng bước tịnh tiến và đang tiếp tục tăng lên vượt qua mốc giá 186.000 đồng/CP. Tính tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/12, giá cổ phiếu VNM đã tăng lên tới 196.000 đồng/CP. Còn nếu so với mức giá của VNM ở thời điểm công bố giá khởi điểm, giá thị trường của cổ phiếu này đã tăng tới khoảng 46.000 đồng/CP, một tốc độ tăng giá “chóng mặt” nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này từ trước tới nay.

Từ khi thành lập đến nay, trong số gần 1.000 tiếp nhận, SCIC đã bán vốn tại 961 DN doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 862 DN, bán một phần vốn tại 80 DN và bán quyền mua tại 19 DN) với giá vốn là 7.763 tỷ đồng và thu về 27.215 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá vốn.

Kết quả thành công ngoài dự kiến từ đợt bán vốn tại Vinamilk vừa qua đã thu về cho ngân sách nhà nước một số tiền lớn, nhưng đối với thị trường chứng khoán, thì thành công của đợt bán vốn này đã góp sức sức làm lan tỏa kỳ vọng ra toàn thị trường, tạo thuận lợi hơn cho các đợt thoái vốn nhà nước tới đây.

Trong bối cảnh xu thế thị trường đang trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội thuận lợi cho các đợt thoái vốn nhà nước tới đây có được đà thuận lợi hơn.

Trên thị trường hiện nay, nhóm cổ phiếu nêu trên trong kế hoạch thoái vốn của SCIC đã đồng loạt tăng giá mạnh mẽ trong 1 tháng qua. Chẳng hạn như VCG từ 21.600 đồng/CP (ngày 1/11) tăng lên 28.800 đồng (1/12), FPT từ 50.800 đồng/CP đã tăng lên 58.400 đồng, NTP từ 72.800 đồng/CP lên 82.400 đồng, BMP từ 74.100 đồng/CP lên 95.600 đồng, DMC từ 105.000 đồng/CP lên 125.600 đồng.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân công ty chứng khoán SSI, nếu chỉ đơn thuần nói về mặt định giá, thì mức giá hiện nay của các cổ phiếu trong dánh sách bán vốn của SCIC tới đây như BMP, NT, DMC... đều không hề rẻ, PE cao hơn trung bình ngành.

Bên cạnh đó, khối lượng thoái vốn Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành trên cơ sở nghị quyết quốc hội năm 2017 là 60.000 tỷ đồng và đến nay mới thực hiện được xấp xỉ một nửa kế hoạch. Ngay trong tháng 12 này, ngoài danh sách bán vốn của SCIC ở 5 DN nêu trên, thì còn có một đợt chào bán vốn nhà nước cũng rất lớn nữa ở Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đã được Bộ Công thương công bố.

“Tuy nhiên, câu chuyện của VNM đã cho thấy, cổ phiếu cao giá vẫn có thể tăng giá tiếp, những DN cơ bản tốt, có tiềm năng vẫn được nhà đầu tư săn đón”, ông Minh nêu quan điểm. Nhiều ý kiến phân tích cũng kỳ vọng, đợt thoái vốn nhà nước sắp tới đây sẽ có thể tiếp tục được thị trường đón nhận tích cực, nếu những kinh nghiệm từ đợt bán vốn ở VNM của SCIC vừa qua được đúc rút và áp dụng một cách phù hợp.

* Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT SCIC:

Thời điểm và cách bán vốn phải được tính toán kỹ lưỡng

nguyễn đức chi

Ông Nguyễn Đức Chi

Đưa quá nhiều nguồn cung ra thị trường trong thời gian ngắn, trong khi sức cầu của thị trường có hạn thì chắc chắn ảnh hưởng cung cầu, cũng như ảnh hưởng tới sự thành công của các giao dịch. Chính vì vậy, việc quyết định đưa doanh nghiệp nào ra thị trường và thời điểm nào được SCIC bàn bạc rất kỹ, với việc phải xem xét cụ thể với từng trường hợp, từng phương án thoái vốn, tỷ lệ thoái vốn cho từng DN…

Theo đó, bên cạnh sự quyết liệt trong công tác thoái vốn của các bộ, ngành và SCIC thì những tính toán về thời điểm bán, cách thức tiếp cận thị trường là cần thiết, nhằm đảm bảo tính khả thi, đạt kết quả thành công trên nhiều phương diện, cũng như tối đa hóa lợi nhuận phần vốn nhà nước.

* Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính:

Kỳ vọng thoái vốn nhà nước trong 2018 sẽ khởi sắc

Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Năm 2017, dù công tác thoái vốn nhà nước chưa được như mong đợi nhưng kỳ vọng năm 2018 sẽ khởi sắc hơn. Cụ thể, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, năm 2018 sẽ thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp và hơn 100 doanh nghiệp chưa thoái được từ 2017 chuyển sang. Thêm vào đó, số doanh nghiệp thoái vốn tại SCIC thực hiện theo kế hoạch riêng và một số bộ ngành cũng còn lớn. Do vậy, sức ép thoái vốn năm 2018 càng nặng nề hơn.

Tuy nhiên, có một niềm tin lớn vì sự hoàn thiện về cơ chế chính sách, cơ bản các khó khăn vướng mắc dự kiến sẽ được loại bỏ vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018, khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Cùng với việc tháo gỡ chính sách, để có được kết quả thoái vốn đúng theo Chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành cần khẩn trương bàn giao các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định tại Nghị định số 151/2013/NĐ-CP (không bao gồm các doanh nghiệp mà bộ, ngành, địa phương đang triển khai bán vốn) về SCIC để thực hiện bán vốn.

Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch bàn giao cụ thể thì SCIC mới chủ động được công tác thoái vốn. Bởi có nhiều doanh nghiệp có vốn rất lớn, cần nhiều thời gian chuẩn bị. Ví dụ như Vinamilk, nhờ có thời gian chuẩn bị rất kỹ các phương án báo cáo Chính phủ phê duyệt và SCIC đã thực hiện thoái vốn thành công. Nếu chậm trễ khâu bàn giao sẽ lại dẫn đến tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm tăng tốc khiến thị trường khó hấp thụ.

* Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc công ty chứng khoán MBS:

Chính sách thoái vốn nhà nước đã được cải thiện tích cực

Ông Trần Hải Hà

Ông Trần Hải Hà

Tôi cho rằng để bán vốn các doanh nghiệp đã niêm yết để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả cần dựa vào các yếu tố sau: Nên lựa chọn phương thức đấu giá cạnh tranh, đồng thời việc lựa chọn mức giá chào bán cần căn cứ trên các cách xác định giá trị như giá trị sổ sách, giá trị định giá cơ bản của doanh nghiệp theo các phương pháp, giá thị trường đang giao dịch.

Dựa trên những yếu tố trên thì việc đấu giá sẽ đảm bảo tính cạnh tranh, mức giá chào bán sẽ sát với giá trị doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch trên thị trường. Ngoài ra thì việc lựa chọn thêm phương pháp dựng sổ trước khi đấu giá cũng là một giải pháp để đo lường khả năng hấp thụ của thị trường đối với cổ phần chào bán.

So với trước đây, hiện nay chính sách về thoái vốn Nhà nước đã cải thiện rất nhiều và về cơ bản là thuận lợi cho hoạt động thoái vốn nhà nước. Nếu có điều gì cần cải thiện thì đó là cần quyết tâm đẩy mạnh và nhanh hơn quá trình này để đạt được mục tiêu đã đề ra.

* Ông Mạc Quang Huy - Tổng Giám đốc công ty chứng khoán Maritime:

Nhà đầu tư đang quan tâm lớn các đợt bán vốn sắp tới

Ông Mạc Quang Huy

Ông Mạc Quang Huy

Những doanh nghiệp mà SCIC dự kiến bán vốn trong tháng 12 này đều là những doanh nghiệp tốt, nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra thị trường chứng khoán thời điểm này cũng khá sôi động. Do đó việc thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp này là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để thoái vốn các DN có quy mô lớn, thì thông tin về lộ trình thoái vốn cần được cụ thể, chi tiết và sớm đưa ra đối với từng doanh nghiệp, nhằm giúp nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của nhà nước trong việc triển khai bán vốn Nhà nước, cũng như giúp các nhà đầu tư chủ động hơn trong việc nghiên cứu cơ hội đầu tư và lên kế hoạch tham gia (xin phê duyệt hội đồng đầu tư, chuẩn bị nguồn vốn, các thủ tục).

Phương thức dựng sổ là phương pháp khá phổ biển ở các thị trường phát triển. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính, UBCKNN đang nghiên cứu phương thức dựng sổ và SCIC cũng đã chủ động nghiên cứu về phương thức này để sẵn sàng áp dụng khi có quy định. Điều này cho thấy rằng các cơ quan quản lý cũng đã nhận thức được lợi ích của phương pháp thoái vốn này và tôi tin rằng trong tương lai gần phương thức này sẽ được cho phép áp dụng cho các giao dịch thoái vốn có giá trị lớn.

Mai An