Bình Dương: Chính quyền vào cuộc giúp người lao động tìm kiếm việc làm
Người lao động chờ nộp hồ sơ tại một doanh nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: KT

Yêu cầu cao làm khó công nhân

Sau thời gian nghỉ tết dài ngày, nhiều lao động tiếp tục quay trở lại Bình Dương để tìm việc làm mới. Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh vẫn cần từ 10 - 15 nghìn lao động, bao gồm cả nhu cầu tuyển dụng lao động mới, cũng như tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc.

Nhiều ngày qua, ghi nhận tại Khu công nghiệp (KCN) VSIP 1 (Thuận An, Bình Dương), trước cổng công ty như: Công ty TNHH Hồng Vận, Công ty TNHH Dunlopillo, Công ty TNHH Linfox Logistics Việt Nam, Công ty TNHH May mặc Hưng Thịnh Bình Dương... đều có đăng bảng tuyển dụng lao động.

Tại đây hàng ngày có rất nhiều lao động tới để tìm kiếm cơ hội việc làm. Hầu hết trên tay họ đều chuẩn bị sẵn hồ sơ dự phòng để nơi nào dán bảng tuyển dụng là nộp hồ sơ để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Tuy nhiên, do có số lượng người cần việc làm cùng thời điểm quá nhiều, nên các doanh nghiệp đưa ra tiêu chí tuyển dụng khắt khe hơn trước như: đòi hỏi người lao động phải có trình độ học vấn 12/12, kèm theo chứng chỉ, hoặc tay nghề ổn định để vào làm việc ngay mà không cần đào tạo lại.

Trong số ấy có rất nhiều lao động đã chạy vạy, đi lại nhiều lần nhưng vẫn không xin được việc làm với nhiều lý do như: công ty không có nhu cầu tuyển dụng, đã tuyển đủ hoặc trình độ không đáp ứng, thiếu bằng cấp không đạt yêu cầu...

Trước cổng Công ty TNHH Freetrend Industrial Việt Nam, anh Nguyễn Xuân Vĩnh, quê Bạc Liêu cho biết, sau thời gian hơn chục ngày nghỉ tết tại quê, anh lên lại Bình Dương xin việc làm, nhưng cả nửa tháng nay, anh vẫn chưa tìm được việc vì công ty nào cũng yêu cầu lao động có tay nghề, trình độ học vấn 12/12, trong khi anh chỉ có bằng cấp 2.

Trước cổng Công ty TNHH May mặc Bình Dương, chị Lê Thị Yến quê An Giang cũng cho hay, trước đây chỉ có bằng cấp 2, nhưng vẫn xin vào làm công nhân gia công may bình thường, sau một thời gian nghỉ giờ tìm lại việc cả tuần nay vẫn chưa được.

“Tuần trước họ tuyển đâu cần bằng cấp, nhưng sang tuần này lại đòi bằng cấp. Giờ tôi đâu cần lương cao lương thấp, chỉ cần có nơi nhận là vào làm, tạm đủ lo cuộc sống hàng ngày là được” - chị Yến chia sẻ.

Không xin được việc trong khi đủ chi phí phải lo như tiền ăn, tiền nhà khiến nhiều công nhân chọn cách trở về quê, hoặc đi xin việc tạm thời nơi khác để duy trì cuộc sống.

Theo ghi nhận, tiếp xúc với nhiều công nhân tại những nơi đang nộp hồ sơ tìm việc làm, hầu hết đều thấy bất ngờ và cho rằng, việc các công ty đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp THPT, hoặc chứng chỉ lành nghề là cứng nhắc và quá cao đối với những lao động phổ thông.

Ngành chức năng vào cuộc

Trước thực tế nhiều lao động cần việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để thông tin trên website, dán thông báo để người lao động biết và nộp hồ sơ.

Hiện nay, trung tâm đang lấy dữ liệu từ app việc làm, tìm việc làm để kết nối, đồng bộ với Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, từ đó mọi người dễ dàng tiếp cận, tìm việc làm phù hợp. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tìm được nhân lực như mong muốn.

Bình Dương: Chính quyền vào cuộc giúp người lao động tìm kiếm việc làm
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại cổng một doanh nghiệp ở Thuận An, Bình Dương. Ảnh: CTV

Ông Trịnh Đức Tài - Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương chia sẻ, qua thống kê, lao động qua đào tạo ở Bình Dương đạt hơn 80% nhưng lao động có chứng chỉ, bằng cấp chưa đầy 40%.

"Sở đã chỉ đạo cho các trường nghề, trường cao đẳng công lập, ngoài công lập và các trường trung cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới phương pháp đào tạo để làm sao đội ngũ công nhân lành nghề trình độ cao ngày càng cao hơn, phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” - ông Trịnh Đức Tài cho hay.

Ông Tài cũng cho biết, để đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện nhiều giải pháp ổn định tình hình lao động và việc làm, như: thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tại tỉnh, nhất là các vị trí việc làm có tính thời vụ để tuyên truyền đến người lao động; đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu, kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.

Trong dịp này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tư vấn kịp thời cho những doanh nghiệp có cắt giảm lao động về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn; về thủ tục giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động...

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Về thủ tục hành chính, các đơn vị phải hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh gọn, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt trong lúc tạm nghỉ việc chờ đơn hàng.

Theo thống kê của các ngành ở Bình Dương, quý I/2023, doanh nghiệp trong tỉnh cần khoảng 10.000 lao động để bù vào số lao động thiếu hụt do ở lại quê nhà không trở vào và để phục vụ cho việc mở rộng sản xuất ở các ngành dịch vụ, điện tử... Tuy nhiên, khi người lao động liên hệ doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng thì đó chỉ là con số dự kiến, trong khi chờ đơn hàng chứ chưa tuyển chính thức. Do đó, việc người lao động đến Bình Dương "đỏ mắt" tìm việc sẽ còn kéo dài khi kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng bởi chiến tranh, lạm phát.