Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập
Sáng 2/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Đánh giá vấn đề thiếu hụt nguồn lực lao động trong ngành hiện nay, ông Phạm Văn Thủy – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, nhìn từ thực tiễn sau hơn hai năm trải qua đại dịch, ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Một trong số đó chính là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch.
Sau ngày mở cửa, chúng ta cũng gặp khó khăn lớn trong tiến trình huy động nguồn lao động của ngành quay trở lại làm việc. Bởi lẽ, đa số người lao động có tâm lý chưa sẵn sàng trở lại làm việc do lo ngại dịch bệnh, một số đã chuyển nghề và dần ổn định nên không muốn quay lại ngành. Do đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực du lịch là vấn đề cấp bách, cần được tính toán, bổ sung kịp thời.
Cũng theo ông Phạm Văn Thủy, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung cũng gặp khó khăn, do quá trình đào tạo cần có thời gian thực hiện và bồi đắp. Thực tế hiện nay, chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành đã qua đào tạo.
Còn với đơn vị lưu trú, hầu hết chỉ có nguồn nhân lực tại các khách sạn là qua đào tạo. Với các đơn vị lưu trú như nhà nghỉ, homestay... hầu hết đều là nguồn nhân lực tự do, không qua đào tạo. Vì vậy, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các nhóm lao động này.
Ảnh minh họa |
Đánh giá về thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch trong ngành hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, cho đến nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và chưa phải đã kết thúc, toàn xã hội cũng như ngành du lịch phải chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Nhà nước đã có chủ trương phát triển du lịch nội địa và mở cửa thị trường du lịch quốc tế từ đầu năm 2022. Song, nhiều vấn đề đặt ra đối với nhân lực du lịch trong giai đoạn mở cửa và phục hồi ngành du lịch.
Cũng theo khảo sát của PGS.TS Nguyễn Văn Đính, hiện nay công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Cụ thể, tại các trường đại học cho thấy chương trình đào tạo dành cho sinh viên còn thiếu tính thực tế.
Một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không áp dụng sát tính thực tế, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực du lịch. Đây là vấn đề cần được xem xét, lưu ý và thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường; qua đó, tạo ra nguồn nhân lực bài bản, tiềm năng, sẵn sàng phục vụ ngành trong tương lai.
Cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực
Chia sẻ những giáp pháp nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực du lịch, PGS.TS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để thực hiện thu hút lao động lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới làm việc tại các cơ sở du lịch cần xây dựng hệ thống dữ liệu về lao động của doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp để nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho khách. Mặt khác, cơ sở đào tạo du lịch cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng chống dịch Covid-19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết...
Còn theo bà Nguyễn Thanh Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch, trong điều kiện bình thường mới, ngành du lịch cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận. Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở.
Bên cạnh đó, bà Bình cũng cho rằng cần có chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực du lịch có kinh nghiệm, kỹ năng nghề đã chuyển việc quay lại làm việc; thực hiện tốt các chính sách về lương, môi trường làm việc...; có chính sách lương theo bậc, năng lực để khuyến khích nhân viên, học nâng cao kiến thức, kỹ năng.
"Ngoài ra, chúng ta cũng cần củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề; quản lý chặt chất lượng đào tạo; đồng thời cần kết hợp và liên thông giữa các cấp độ đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo" - bà Bình cho hay./.