Kim ngạch xuất khẩu giảm gần 13%

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, xuất khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 118,6 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý xu hướng giảm trong các tháng qua. Tính nửa đầu tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước chỉ đạt 11,4 tỷ USD, giảm hơn 21% so với nửa cuối tháng 4/2023. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại.

Bộ Công thương: Không bi quan với thực tế, hàng Việt còn nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu
Còn nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu hàng Việt. Ảnh: TL

Về nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu, chia sẻ với PV TBTCVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải lý giải, do kinh tế thế giới suy giảm, đặc biệt là các đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Xuất khẩu giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tình hình tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.

Khó khăn đáng kể là Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng

Ông Đỗ Thắng Hải cảnh báo, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử... chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su...) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung, đòi hỏi phải có giải pháp thích ứng.

Để giảm tải áp lực cho tiêu thụ hàng hóa, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước là trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn...

Còn dư địa để khai thác thị trường mới

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục khó khăn dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều.

Đứng trước khó khăn về xuất khẩu hàng hóa hiện nay, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như: Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông, châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).

Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA; tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Công thương: Không bi quan với thực tế, hàng Việt còn nhiều lợi thế để gia tăng xuất khẩu
Sản phẩm nông sản Việt Nam có giá trị cao, được bày bán tại Nhật Bản. Ảnh: TL

Đồng thuận quan điểm khai thác thị trường mới nêu trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, còn nhiều dư địa để hàng Việt thâm nhập thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều có nhu cầu nhập khẩu lớn ở những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh. Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang 2 quốc gia Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của 2 quốc gia này, lần lượt là 2,7% và 3,3%, trong khi đây là hai đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Thị trường Nhật Bản có quy mô GDP năm 2022 là 4.100 tỷ USD, với 125 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá khoảng 900 tỷ USD hằng năm. Trong khi GDP của Hàn Quốc là hơn 1.730 tỷ USD và cũng nhập khẩu trên 731 tỷ USD mỗi năm. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là những lợi thế rất lớn cho Việt Nam thúc đẩy giao thương với hai thị trường này.