Đề xuất một loạt các gói hỗ trợ trong năm 2023

Để kịp thời ứng phó với diễn biến khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng kinh tế, đồng thời xem xét, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, các hành động của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023, với tổng quy mô gói hỗ trợ khoảng 198,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền miễn, giảm là 77,2 nghìn tỷ đồng và số tiền gia hạn là 121,2 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất về việc giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 khoảng 3.500 tỷ đồng.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương

Đáng chú ý, với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế, sau khi xin ý kiến cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% xuống còn 8%, áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Chính sách này sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khoảng 35 nghìn tỷ đồng.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng và xin ý kiến cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán, y tế, cấp căn cước công dân, thẩm định dự án đầu tư xây dựng… Dự kiến thời gian áp dụng từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023 với số tiền giảm phí, lệ phí sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Dự kiến số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn khoảng 11,2 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp phát triển, tài khóa sẽ vững mạnh

Duy trì một “chính sách tài khóa” nhân văn, sẻ chia với người dân và doanh nghiệp là mục tiêu hướng đến của Bộ Tài chính. Trong suốt 3 năm qua, khi bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa vì dân.

Chính sách tài khóa khôn khéo phát huy "sức mạnh" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

“Sức mạnh” trong việc thực hiện chính sách tài khóa đến từ việc Chính phủ, Bộ Tài chính đã duy trì một lập trường tài khóa khôn khéo, khi thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, nhưng cái được lớn hơn là doanh nghiệp phục hồi, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và quay trở lại đóng góp cho nguồn thu ngân sách. Nhiều chính sách hỗ trợ tiếp tục được duy trì trong năm 2023 này và chính sách tài khóa vẫn được coi là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế của nước ta.

3 năm qua (2020 - 2022), Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến hơn 500 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói là những gói hỗ trợ lớn chưa từng có trong lịch sử lại được triển khai trong bối cảnh “khó chồng khó”. Khi doanh nghiệp khó khăn, kinh tế suy giảm, sức mua kém sẽ đồng nghĩa với việc nguồn thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN) lập tức bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã duy trì chính sách tài khóa khôn khéo, thực hiện linh hoạt, hiệu quả.

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây là những giải pháp rất hợp lý, nguồn lực đáng kể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mặc dù trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,32%, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng giảm 17%, thu NSNN tới hết quý I/2023 chỉ tăng 2,21%, thu nội địa nếu trừ các khoản đột xuất thì chỉ còn xấp xỉ 85% so cùng kỳ.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, những giải pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên là những chia sẻ, động viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là động lực của phát triển kinh tế, nên nếu doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế sẽ phát triển, chính sách tài khóa ngày càng vững mạnh. Vì vậy, các chính sách của Bộ Tài chính đều hướng về doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.

Chính sách tài khóa tiếp tục là bệ đỡ, là trụ cột cho tăng trưởng

Kết quả tăng trưởng trong năm 2022 tiếp tục tạo đà và là nền tảng để kỳ vọng cho sự phục hồi bùng nổ của kinh tế Việt Nam trong năm nay, cũng như hứa hẹn có nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở châu Á. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 với triển vọng ổn định.

Trong thành công chung đó, có sự đóng góp tích cực và được đánh giá là “trụ cột” cho tăng trưởng, đó là sự góp sức của ngành Tài chính. Điều này đã được người đứng đầu Chính phủ khẳng định, “những thành tựu của đất nước có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính”.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt và kịp thời. Vai trò các chính sách tài khóa thể hiện rõ trên nhiều phương diện, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ tăng trưởng, vừa tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo bội chi và nợ công trong ngưỡng an toàn, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

Theo vị chuyên gia này, vấn đề đặt ra hiện nay đối với chính sách tài khóa là phải giải bài toán tổng thể, bởi chính sách điều hành không chỉ ngắn hạn mà phải căn cơ, dài hạn, bài bản, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn hệ thống, hỗ trợ tăng trưởng.

Đưa ra một số gợi ý chính sách tài khóa năm 2023 và trong trung hạn 2023 - 2025, các chuyên gia cho rằng, năm 2023 - 2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp về quản lý thu NSNN và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu NSNN, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Năm 2023 được dự đoán là có nhiều khó khăn. Do đó, trong trước mắt cũng như lâu dài, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định và nhất quán trong việc thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng.