Luật Kinh doanh bảo hiểm: Những băn khoăn đã được tháo gỡ Sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để phát triển thị trường an toàn, hiệu quả Tạo nền tảng vững chắc để thị trường bảo hiểm phát triển Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Kỳ vọng nâng cao chất lượng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Hướng dẫn luật phù hợp với phát triển thị trường

Sau phần thảo luận của các đại biểu về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các ủy ban của Quốc hội hoàn thiện để trình thông qua tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, theo Bộ trưởng, Cơ quan soạn thảo sẽ tách mục 8, Chương III thành một chương riêng thay cho Chương VI nhằm phát triển sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng số và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm để giảm chi phí.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Quản lý chặt hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ảnh: QH.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: QH.

Liên quan về nội dung của dự thảo luật, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện các khái niệm, các hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể về bảo hiểm bắt buộc, quy định trong hợp đồng bảo hiểm rõ hơn, cụ thể hơn để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các bộ luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như là chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, vô hiệu hợp đồng, nguyên tắc bồi thường…

Về ý kiến có quá nhiều nội dung giao Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn tại dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã có nhiều thay đổi căn bản so với Luật hiện hành, điều chỉnh nhiều vấn đề mới.

Các nội dung dự thảo Luật giao Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn chủ yếu bao gồm các nội dung có kỹ thuật, chính sách của Nhà nước theo từng thời kỳ hoặc thay đổi thường xuyên phải được cập nhật kịp thời, để đảm bảo phù hợp với sự phát triển của thị trường, đồng thời giữ được tính ổn định, sức sống lâu dài của Luật.

So sánh với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) giao Chính phủ hướng dẫn 18 nội dung, giảm 30 nội dung so với Luật hiện hành; giao 14 nội dung cho Bộ Tài chính quy định, tăng 7 nội dung so với Luật hiện hành.

Bộ Tài chính tổ chức thi cấp chứng chỉ là phù hợp

Đối với quy định về bảo hiểm vi mô, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, đưa nội dung cần thiết vào Chương bảo hiểm vi mô như điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động, sản phẩm bảo hiểm vi mô và đảm bảo tính khả thi phục vụ cho cuộc sống, trợ giúp người nghèo, người yếu thế.

Theo Bộ trưởng, đây là loại hình bảo hiểm mới, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người yếu thế, loại hình bảo hiểm này mang tính lợi nhuận không cao, còn rủi ro do đó cần có sự linh hoạt, nên Bộ Tài chính đề nghị đưa một số nội dung hướng dẫn cụ thể vào dự thảo nghị định của Chính phủ.

Đối với nhóm quy định về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo về hoạt động của đại lý bảo hiểm nhằm nâng cao hơn tính chuyên nghiệp của các kênh trung gian bảo hiểm này, tránh lợi dụng khách hàng.

Về thời điểm có hiệu lực của Luật này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉnh sửa thời điểm có hiệu lực của Luật này sớm hơn, bắt đầu từ 1/1/2023, thay vì 1/7/2023 như dự thảo gửi xin ý kiến trước đây.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về cung cấp thông tin, theo Bộ trưởng, “do bí mật cá nhân nên chúng tôi quy định rõ, tuân thủ điều 21 Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, thực hiện phân cấp quản lý, đảm bảo đúng quy định về bảo mật thông tin”.

Đối với bảo hiểm bắt buộc, dự thảo luật đã quy định rõ 3 loại hình, còn các loại hình khác đã được Quốc hội quy định ở các luật chuyên ngành, hiện có 14 luật chuyên ngành quy định vấn đề này. Dự báo có thể sẽ tăng thêm những quy định ở các luật khác, do đó, Bộ Tài chính không quy định cụ thể, nếu quy định cụ thể, sẽ sót lọt trong quy định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải trình làm rõ thêm về kiến nghị thi cấp chứng chỉ bảo hiểm của Bộ Tài chính.

Sở dĩ vấn đề này được quy định trong luật do bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như quy định trong lĩnh vực giá, lĩnh vực chứng khoán, kế toán kiểm toán, do đó cần phải do Bộ Tài chính tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề.

“Đây là những lĩnh vực chuyên sâu, cần phải quản lý chặt chẽ, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội”, người đứng đầu Bộ Tài chính nói./.

Luật quy định Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 151, quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm; Thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm.