Ảnh minh họa
Theo đó, dự thảo về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành, gồm 8 chương, 153 điều, bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Mục tiêu xây dựng dự án Luật tập trung vào những nội dung sau:
Một là, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; duy trì sự công bằng, an toàn và ổn định của thị trường bảo hiểm.
Nội dung này chính là một trong 26 Nguyên tắc bảo hiểm cơ bản của Hiệp hội Các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế (IAIS). Theo đó, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật kinh doanh bảo hiểm, luật dân sự, luật đầu tư, luật doanh nghiệp, luật phá sản, luật cạnh tranh,… Đảm bảo hệ thống pháp luật được thực thi một cách thống nhất và cung cấp một cơ chế giải quyết công bằng các tranh chấp bởi các phương thức hoạt động hiệu quả. Cụ thể như sau:
Bảo vệ quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm thông qua chuẩn hóa định chế về hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), tôn trọng quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết HĐBH, phù hợp với Bộ luật Dân sự (do đã bỏ chương về HĐBH), trong đó, cần có các quy định đặc trưng của HĐBH, như: Nội dung, hình thức, hiệu lực của HĐBH; các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng; thời điểm phát sinh trách nhiệm; chuyển giao HĐBH...; làm rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm; minh bạch trong các thông tin cung cấp khi giao kết HĐBH;..
Nguyên tắc công bằng được xây dựng trên nền tảng các bên tham gia thị trường bảo hiểm cung cấp thông tin trung thực, chính xác, minh bạch và kịp thời. Dự thảo Luật sẽ bổ sung: Yêu cầu đối với các thông tin cần biết và cung cấp; các vấn đề liên quan đến trả tiền bảo hiểm; xử lý HĐBH vô hiệu, chấm dứt; bổ sung cơ sở cho HĐBH nhóm; bổ sung cơ chế giải quyết của trọng tài bảo hiểm theo vụ việc,... Thông qua đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm giảm thiểu tranh chấp phát sinh trong thời gian qua. Ngoài ra, dự thảo Luật còn bổ sung các nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, những điều không được làm đối với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm.
Cùng với đó, để duy trì một ngành bảo hiểm an toàn, dự thảo Luật định nghĩa rõ ràng và đầy đủ các quy tắc quản trị doanh nghiệp, tổ chức hoạt động với chế độ khả năng thanh toán đảm bảo việc kiểm soát được các rủi ro có liên quan. Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia tính toán bảo hiểm, các nhà quản trị, điều hành doanh nghiệp, kế toán trưởng, kiểm toán viên phải có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, độc lập và làm việc tuân theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và có đạo đức nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, mục tiêu ổn định được thực hiện thông qua những quy định về vốn và các quy định khác nhằm đảm bảo tổ chức kinh doanh đủ khả năng chịu rủi ro và thẩm thấu mức độ thua lỗ nhất định. Tổ chức kinh doanh bảo hiểm phải được thường xuyên giám sát theo những điều kiện về vốn và những điều kiện khác để không gây tổn thất cho những người tham gia bảo hiểm hoặc những ảnh hưởng tổn hại đến thị trường.
Hai là, tạo nền tảng để Việt Nam có thể trở thành thị trường bảo hiểm phát triển của khu vực châu Á thông qua việc đổi mới mô hình quản lý, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNBH, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh bảo hiểm, nâng cao chất lượng tăng trưởng của thị trường. Cụ thể như sau:
Định hình rõ ràng đối với nhà đầu tư về mô hình, hình thức hoạt động, phạm vi, nội dung hoạt động, điều kiện thành lập của DNBH, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có chất lượng, dự án đầu tư có tính hiệu quả, thiết thực mang lại lợi ích cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
![]() |
Đối với doanh nghiệp đã được cấp phép, được hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh, lựa chọn mô hình hoạt động, phương thức hoạt động, đầu tư tài chính, kể cả đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời, thay vì quy định đơn lẻ về chế độ tài chính theo Biên khả năng thanh toán 1 sang mô hình tổng thể gồm 3 trụ cột chính là: Quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro; vốn trên cơ sở rủi ro và công khai thông tin, nhằm đảm bảo sự an toàn của từng DNBH, vì sự phát triển bền vững của cả hệ thống nói chung. (Nguồn: Đặc san Thị trường Bảo hiểm Việt Nam 2021)
Để khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn mực hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hiểm, Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung, nguyên tắc khuyến khích các DNBH ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng.
Nhằm đổi mới mô hình quản lý, giám sát theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro, dự thảo Luật đã gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Thông qua việc cải cách mạnh mẽ thể chế và đổi mới mô hình, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm kỳ vọng sẽ giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, an toàn và hiệu quả.
Thái Duy