>> Năm 2017, Hà Nội bắt đầu phải trả nợ vay làm đường sắt đô thị

>> Hà Nội quyết tâm gỡ vướng để cấp “sổ đỏ” cho các thửa đất tồn đọng

Cũng tại phiên làm việc, các đại biểu đã chất vấn hàng loạt vấn đề nóng, như trật tự xây dựng, an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy...

Liên quan đến vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, tại cuộc họp, ĐB Phạm Thanh Mai (Đông Anh) cho rằng, vi phạm không chỉ tái diễn ở phạm vi các hộ gia đình mà còn ở các tổ chức phát triển nhà ở.

"Khi Hội đồng họp kỳ họp thứ 3 cũng đã có phóng sự minh chứng rõ việc một số tòa nhà chung cư xây dựng sai so với giấy phép. Tôi muốn hỏi đồng chí Giám đốc Công an thành phố, đối với một số vụ việc đã được chuyển cho Công an thành phố thì tiến độ xử lý và công khai kết quả điều tra, cũng như nếu cần thiết khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã làm được đến đâu? Chúng ta sẽ có câu trả lời cho cử tri thế nào vì mức độ vi phạm của các vụ việc là đặc biệt nghiêm trọng?", bà Mai đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, thanh tra thành phố đã chuyển Công an thành phố điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng của một số đơn vị. Điển hình là Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên và Công ty Cổ phần sản xuất nhập khẩu Bemes (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) do ông Lê Thanh Thản làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là đơn vị triển khai rất nhiều dự án trên địa bàn TP Hà Nội, với khoảng 12 dự án. Qua điều tra của cơ quan công an, các dự án này đều có dấu hiệu về tội trốn thuế và có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý nhà ở theo điều 213 Bộ luật Hình sự.

Chất vấn
Phiên chất vấn của các đại biểu diễn ra sáng ngày 5/7. Ảnh: NNK

Cũng trong phiên trả lời chất vấn, Thiếu tướng Khương cho biết thêm, Công an Thành phố đã nhận được chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc tiếp nhận kết luận của Thanh tra thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng nhận được kết luận của Thanh tra Chính phủ về đơn vị này ở 21 tỉnh thành trên cả nước. Vì vậy, trong quá trình điều tra, Công an Thành phố phải phối hợp chặt chẽ với C46 của Bộ Công an để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị này trên địa bàn. Tuy nhiên, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can vẫn đang chờ ý kiến quyết định của Bộ Công an.

Cũng tại phiên chất vấn một vấn đề "nóng" cũng được đại biểu quan tâm đặt câu hỏi là quản lý chợ. Theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND TP. Hà Nội, chất lượng các chợ trên địa bàn hiện không đảm bảo, còn nhiều tồn tại về an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ; trong chợ còn tình trạng hàng giả, hàng nhái...

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, hướng xử lý những tồn tại trên là chuyển đổi mô hình chợ sang chợ dân sinh. Trên cơ sở đó, chủ trương của thành phố là các quận huyện có thể dùng ngân sách của mình để đầu tư cải tạo hệ thống chợ, kết hợp kêu gọi đầu tư chợ đầu mối, đảm bảo vấn đề an sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đó, báo cáo về vấn đề quản lý chợ trên địa bàn, ông Lê Hồng Thăng cho biết, hiện nay toàn thành phố có 454 chợ, kể cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo quy hoạch, đến năm 2030, thành phố sẽ có 596 chợ.

Còn theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận huyện, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2.490 tỷ đồng. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và tổ chức thu phí chợ theo giám sát của ban kinh tế HĐND thành phố.

Phiên chất vấn cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, HĐND TP.Hà Nội Khóa XV. Kết thúc phiên chất vấn, vào cuối buổi làm việc, Chủ tịch HĐND Thành phố đã có bài phát biểu bế mạc kỳ họp này./.

Phúc Nguyên