Tăng nguồn thu ngoài học phí

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết, Đại học Thái Nguyên là một trong ba đại học vùng của đất nước với địa bàn tuyển sinh trên toàn quốc, chủ yếu là vùng núi phía Bắc. Trong đó, gần 60% sinh viên là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

Theo GS.TS Phạm Hồng Quang, khi thực hiện tự chủ đại học, nhà trường phải hết sức cố gắng, bởi không tăng được học phí do sinh viên đa số từ những vùng khó khăn. Bên cạnh đó, những dịch vụ cho các em cũng được miễn phí rất nhiều, không thu được.

Thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình thực hiện chủ trương tự chủ, các trường đại học đã có nhiều kết quả nhất định. Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2018 đến 2021, tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm. Đặc biệt, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: 20,8% với giảng viên và 18,7% với cán bộ quản lý.

"Trong khó khăn, chúng tôi cũng phải tiết kiệm chi tiêu, đặc biệt là huy động nỗ lực cống hiến của các thầy cô trong trường. Chúng tôi cho rằng, nguồn lực tài chính trong giáo dục đại học cũng là một phần quyết định, tuy nhiên chúng tôi xây dựng một môi trường giáo dục đại học hết sức dân chủ, đẩy mạnh tự do sáng tạo để làm sao các thầy cô có khát vọng cống hiến, sinh viên chăm chỉ học hành" - GS Quang nói.

Bên cạnh đó, cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Đại học Thái Nguyên cũng đẩy mạnh các công bố quốc tế, nghiên cứu cơ bản và chuyển giao những sản phẩm, chương trình, tương tác rất cụ thể đối với các địa phương. Bằng cách đó, các thầy cô cùng sinh viên đạt được 2 mục tiêu: vừa phát triển chuyên môn, vừa tăng nguồn thu.

Các trường đại học giải bài toán học phí cho năm học mới như thế nào?
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những trường có doanh thu cao nhất. Ảnh: T.L

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, quan điểm tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính không hoàn toàn đúng. Tự chủ đại học có nghĩa các cơ sở giáo dục căn cứ trên nội lực của mình có thể đảm bảo tự chủ chi thường xuyên, tức chi cho con người (thầy và trò) và một phần liên quan đến đào tạo. Tuy nhiên, một số ngành nghề lớn, có ý nghĩa với sự phát triển của công nghiệp quốc gia vẫn cần sự đầu tư do đã vượt quá khả năng tài chính của các trường.

"Tự chủ đúng về mặt tài chính là phát huy nội lực của các trường và sự đầu tư công bằng, chính xác, có chiều sâu, có lộ trình dài hơi của Nhà nước" - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết, tự chủ đại học đặt ra cho lãnh đạo nhà trường bài toán phải có sự cân bằng tài chính trong phát triển. "Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có trách nhiệm giải trình và đáp ứng tốt nhất cho xã hội, mà cụ thể ở đây là phụ huynh và các em sinh viên. Vì vậy, câu chuyện tăng học phí một cách rất nhanh chóng không phải là bài toán phát triển của nhà trường", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nói.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cũng cho hay, nhà trường sẽ tăng học phí ở mức độ vừa phải để đảm bảo đầu tư cho giáo dục, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho việc học tập của sinh viên; nâng cao trách nhiệm của người học. Ngoài ra, nguồn kinh phí từ các dự án tài trợ như của Chính phủ, quốc tế, các dự án nghiên cứu… mới làm cho tài chính của nhà trường vững mạnh, không phải chỉ trông chờ vào nguồn lực từ học phí. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có sự cam kết từ nay đến năm 2025, học phí tính chung cho cả trường sẽ không tăng quá 8-10%.

"Bên cạnh đó, nhà trường đã thành lập quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa dành cho các sinh viên nghèo vượt khó, thuộc diện hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra hàng năm, chúng tôi luôn dành khoảng từ 5-8% học phí để làm các quỹ học bổng cho sinh viên. Điều này giúp đảm bảo ở mức độ nào đó sự công bằng trong giáo dục cho sinh viên của nhà trường" - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.

Kinh phí đầu tư cho một sinh viên còn rất thấp so với thế giới

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn nhận thực chất của vấn đề tăng học phí đại học, hiện nay tổng số kinh phí đầu tư tính cho 1 sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng, lâu nay, kinh phí đào tạo chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp thường xuyên và do người học tự đóng góp, tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách đào tạo giáo dục có nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Các trường đại học giải bài toán học phí cho năm học mới như thế nào?
Đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Ảnh T.L

"Một số trường đại học trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường đại học công lập tại Việt Nam, nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh. Theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam thu về lợi ích cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới. Người học cũng cần đặt ra bài toán đầu tư cho tương lai, bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ người học thông qua cơ chế tín dụng. Hiện nay, Chính phủ đã đồng ý tăng mức tín dụng cho sinh viên, song đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được mở rộng đáng kể. Tôi cho rằng, một chính sách rất quan trọng là cần mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng và nâng cao mức tín dụng để sinh viên không cần phải lo lắng về việc mình có được hưởng không, đó chính là công bằng xã hội" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

“Chúng ta cần lưu ý rằng, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội, nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường đại học muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí. Nếu giữ nguyên mức học phí thấp, vừa suy giảm chất lượng giáo dục đào tạo, vừa không có điều kiện hỗ trợ sinh viên nghèo, đây là quan niệm cần thay đổi. Đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho tương lai, tăng sự tiếp cận giáo dục đại học” - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết thêm.

5 trường đại học có doanh thu cao nhất, trên 1.000 tỷ đồng/năm

Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 5 trường đại học có doanh thu cao nhất, trên 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó có 2 đơn vị là trường công lập tự chủ từ sớm là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ba trường còn lại đều là 3 trường tư thục, gồm: Đại học FPT, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang.