![]() |
Dự thảo luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tạo nền tảng pháp lý vững chắc để doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững. Ảnh minh họa |
Rút ngắn thủ tục về bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp
Thảo luận về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao với báo cáo tiếp thu giải trình và thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP. Hồ Chí Minh), dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ này đã tiếp thu nhiều góp ý của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý cũng như thực tiễn tại doanh nghiệp, thể hiện tinh thần rất cầu thị. Dự thảo luật đã thể hiện sự phân cấp rất mạnh cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty về chiến lược, kế hoạch kinh doanh, chính sách tiền lương, đồng thời cắt giảm nhiều thủ tục hành chính…
Được chủ động ban hành chiến lược kinh doanhDoanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn được chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hàng năm; quyết định đầu tư; quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng; bổ sung quy định về việc cho vay công ty con, công ty con vay vốn; bổ sung quy định xử lý từ lợi nhuận sau thuế đối với chi phí theo quy định của Luật chuyên ngành; chi phí đầu tư thất bại; chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. |
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cùng với việc sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tư nhân, việc ban hành Luật tại Kỳ họp này sẽ hài hoà được các mục tiêu đề ra đối với cả hai khu vực doanh nghiệp tư nhân và nhà nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn cho biết, dự thảo bổ sung quy định trích không quá 50% Quỹ đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Đây là một sự tiếp thu rất lớn, tiến bộ so với trước, khi mà việc bổ sung vốn điều lệ phải qua nhiều bước, nhiều thủ tục.
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn khi việc đầu tư bổ sung được quy định ở trong 5 lĩnh vực. Theo đại biểu, nên có hướng dẫn kỹ các tiêu chí thế nào là đầu tư lớn và mở rộng thêm lĩnh vực cho nhiều doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu vốn rất lớn để đầu tư phát triển.
Đại biểu Phan Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cân nhắc việc cho phép những trường hợp đầu tư kinh doanh bất động sản ngoài ngành. Đại biểu đề nghị phải xem xét tùy lúc, tùy nơi, tùy điều kiện, doanh nghiệp nào được làm, doanh nghiệp nào không được làm, không nên chung chung là tất cả các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bất động sản.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật.
Theo Bộ trưởng, trong quá trình chỉnh lý dự thảo, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tiếp thu tối đa, cập nhật kịp thời ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là cập nhật, thể chế hóa đầy đủ các định hướng quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quyết định của Luật số 69.
Trong dự thảo Luật lần này, Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, Nhà nước bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Đây là thay đổi căn bản của Luật sửa đổi lần này” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đánh giá doanh nghiệp bằng các tiêu chí “đo, đếm” được
Một nguyên tắc quan trọng nữa của dự thảo là nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường bình đẳng hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Trong đó, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo luật đã thực hiện việc phân cấp hết sức mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, nâng mức trích tối đa vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, cho thuê, thuê mua thế chấp, cầm cố tài sản bán tài sản cố định và bổ sung quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo luật cũng đã phân cấp cho người đại diện phần vốn Nhà nước để chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền; chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quan thông, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.
Bên cạnh việc mở rộng phân cấp, phân quyền, mở rộng tự chủ cho các người đại diện vốn của Nhà nước tham gia vào doanh nghiệp này, Bộ trưởng cũng nêu rõ nhiệm vụ của người đại diện vốn tham gia Hội đồng thành viên cũng sẽ hết sức nặng nề, với các quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.
Cụ thể, hàng năm Nhà nước sẽ giao các chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đó có khen thưởng và chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những việc này đều được “cân đong đo đếm” bằng những con số cụ thể. “Phải có thước đo để đánh giá. Có hiệu quả nhưng hiệu quả như thế nào so với lãi suất ngân hàng, so với hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề lĩnh vực, chứ không phải cứ có lãi có nghĩa là thành tích” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân tích.
Tập trung vốn nhà nước vào những lĩnh vực then chốtDự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp. Trong quá trình góp ý, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã bổ sung quy định để quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp từ dưới 50% vốn điều lệ. Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết số 12-NQ/TW, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo quy định phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà nhà nước cần đầu tư vốn, gồm: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động tại những địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; doanh nghiệp thuộc lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế. |