­Việc đơn giản hoá TTHC thuế, hải quan đã được nhiều nhà đầu tư ghi nhận

­Việc đơn giản hoá TTHC thuế, hải quan đã được nhiều nhà đầu tư ghi nhận.

những cải cách gần đây về chính sách thuế và hải quan của Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn, xét về khía cạnh kinh doanh. Việt Nam đang trở thành một trong những địa điểm lý thú nhất để đầu tư tại khu vực Đông Nam Á.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan của Việt Nam trong thời gian qua? Những cải cách này có tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp (DN) thuộc Icham tại Việt Nam?

- Ông Phạm Hoàng Hải: So sánh với các nước ASEAN khác, Việt Nam cung cấp nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các nhà đầu tư. Những cải cách gần đây về chính sách thuế và hải quan được đánh giá là khá hấp dẫn, xét về khía cạnh kinh doanh. Ví dụ như việc đơn giản hoá thủ tục hành chính và tăng số lượng các dịch vụ nộp thuế, làm cho người nộp thuế dễ dàng và ít tốn kém hơn. Điều này được ghi nhận trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Theo đó, trong báo cáo Môi trường kinh doanh 2017, chỉ số nộp thuế của Việt Nam đã tăng lên 11 bậc so với báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 và bây giờ đứng ở vị trí 167 (trong số 190 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát). Sau 7 tháng đầu năm nay, môi trường kinh doanh ở Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Điều này có ảnh hưởng tích cực đến việc kinh doanh của các DN Ý ở Việt Nam; giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể tạo ra nhiều hoạt động có giá trị gia tăng và cuối cùng là tạo ra nhiều việc làm và tăng trưởng cho đất nước.

Ông Phạm Hoàng Hải
Ông Phạm Hoàng Hải

PV: Những DN của Icham còn gặp khó gì trong thực hiện các thủ tục hành chính về thuế và hải quan tại Việt Nam không, thưa ông?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Sau 7 tháng đầu năm, chúng tôi vẫn chưa thấy có phản hồi cụ thể gì từ phía các DN hội viên của Icham về mặt này.

PV: Tại hội nghị đối thoại với DN hồi tháng 5/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cam kết “Năm 2017 là năm giảm phí cho DN”. Một trong những hành động tiếp theo của Chính phủ là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN về thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic... Ông đánh giá như thế nào về cam kết này của Chính phủ?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Đây là một cam kết rất đáng hoan nghênh và được cộng đồng doanh nghiệp mong đợi. Tất cả chúng ta đều biết thuế là một nguồn thu vô cùng quan trọng để duy trì và vận hành bộ máy nhà nước. Nếu các DN vận hành tốt thì Nhà nước sẽ có một nguồn thu về thuế rất dồi dào và ổn định. Tất nhiên, để có thể làm được điều này thì chúng ta cần có một khung pháp lý rõ ràng, xuyên suốt, nhất quán và luôn đặt lợi ích của quốc gia lên hàng đầu.

Tất cả các chi phí trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các thủ tục hành chính, giấy phép, thuế và hải quan luôn ảnh hưởng trực tiếp tới tính hiệu quả và doanh thu của các DN, đồng nghĩa với việc làm giảm bớt nguồn thu (thuế) của Nhà nước. Hy vọng Chính phủ sẽ làm “mạnh tay và triệt để” nhằm giúp các DN đang hoạt động tại Việt Nam hoạt động hiệu quả hơn.

PV: Trên thực tế, qua ghi nhận phản ánh từ nhiều DN, những vướng mắc về thủ tục hành chính, về pháp lý… vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho DN. Vậy theo ông, cần làm gì để những chính sách cải cách đã và đang triển khai này thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tốt cho DN nước ngoài làm ăn tại Việt Nam?

- Ông Phạm Hoàng Hải: Đây là thực trạng đang tồn tại ở Việt Nam từ rất nhiều năm nay. DN luôn bị bối rối trong ma trận giữa các luật, nghị định và thông tư. Nhiều lúc, luật quy định một kiểu, nghị định và thông tư lại nói điều ngược lại…; và nếu DN làm sai một trong hai bên thì đều bị phạt. Để giải quyết tình trạng này, tôi nghĩ không quá khó nhưng cần thời gian.

Thứ nhất, các nhà làm luật cần đưa ra những điều luật rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo độ hiểu đồng nhất mà không cần các nghị định, thông tư để giải thích. Thứ hai, người làm luật cần phải đồng hành, nắm rõ các diễn biến và phát triển của thị trường cũng như DN, nhằm tránh tình trạng đưa ra những điều luật chỉ “thực hiện được ở trên giấy”, hoặc luật được đưa ra “khi sự đã rồi”. Thứ ba, có một định hướng rõ ràng, cụ thể và xuyên suốt. Chúng ta không thể áp dụng ngay với tất cả các ngành nghề, nhưng với một hai ngành cụ thể thì hoàn toàn có thể làm được. Đưa ra các bộ luật đảm bảo quyền lợi của quốc gia, của DN và của người tiêu dùng. Tôi tin chắc trong tương lai không xa, chúng ta sẽ cải thiện rõ rệt vấn đề này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà My (thực hiện)