VN-Index có thể hướng tới mốc cao hơn trong tháng 6
Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dần được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành đã được ban hành thời gian qua. Đồng thời, dòng tiền trong nước cũng có dấu hiệu quay trở lại kênh chứng khoán trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm rõ rệt, đã giúp thị trường chứng khoán có diễn biến tích cực hơn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.075,17 điểm, tăng +2,48% so với tháng 4/2023 và tăng +6,76% so với cuối năm 2022. Tháng 5, thanh khoản sàn HOSE đạt 12.205 tỷ đồng/phiên, tăng +9,75% so với tháng 4/2023.
Trên sàn Hà Nội, trong tháng 5, chỉ số HNX – Index cũng tăng trưởng liên tục từ đầu tới cuối tháng và đóng cửa ở mức cao nhất tháng với 222,81 điểm vào ngày 31/5/2023, tăng 7,38% so với tháng 4/2023. Đồng thời, thanh khoản sàn HNX đạt hơn 1.586 tỷ đồng/phiên, tăng 17,5% so với tháng trước.
Tuy vậy, theo các chuyên gia của VNDS Research, với kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới trong khi lợi nhuận toàn thi trường có thể phục hồi kể từ quý III/2023 trở đi, thị trường có thể được định giá lại ở mức cao hơn. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc nâng dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu hướng này.
Chuyên gia của VNDS Research cho rằng, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai trong thời gian qua đã kéo cán cân rủi ro - cơ hội của thị trường đang dần nghiêng về phía tích cực. Dòng tiền thông minh cũng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại thị trường chứng khoán khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. “Chúng tôi kỳ vọng những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và chỉ số VN-Index có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6” – VNDS Research dự báo.
Cơ hội dành cho nhóm cổ phiếu nào?
Đánh giá về chiến lược đầu tư tháng 6/2023, các chuyên gia của VNDS Research cho rằng có 3 nhóm ngành sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền, gồm: đầu tư công; Quy hoạch điện VIII mở ra triển vọng tăng trưởng cho ngành điện; lãi suất giảm có tác động tích cực tới ngành chứng khoán và nhóm có nợ vay ròng cao như điện, xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, bất động sản.
“Nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng (điện, dầu khí)” - VNDS Research khuyến nghị. |
Theo đó, đầu tư công vẫn là vấn đề tâm điểm xuyên suốt năm 2023. Trong quý I/2023, vốn nhà nước thực hiện đã tăng 18,1% so với cùng kỳ lên 91,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ của năm ngoái.
Hiện chuyên gia VNDS Research nhận thấy, một số yếu tố hỗ trợ để đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư công trong năm nay, bao gồm: Chính phủ chỉ đạo ngành Giao thông vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công 3 tuyến đường cao tốc: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuật và 2 đường vành đai gồm vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh trước ngày 30/6/2023. Nguồn vốn ngân sách cho các dự án đầu tư công được đảm bảo trong bối cảnh nợ công thấp và lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh kể từ đầu năm 2023. Lạm phát trong nước hạ nhiệt tạo điều kiện để đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa mở rộng.
Đồng thời, lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực tới một loạt nhóm ngành trên thị trường chứng khoán. Sau động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3 - 0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. Nhóm dự kiến giảm lãi suất đợt tới sẽ tập trung ở các ngân hàng tư nhân từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi với những khoản vay cũ.
Mặt khác, lãi suất cho vay giảm sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí vốn, trong đó nổi bật là những ngành có nợ vay ròng cao như điện, xây dựng hạ tầng, sắt thép, xi măng, bất động sản. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới ngành chứng khoán khi đây là ngành được hưởng lợi cả đầu vào (giảm chi phí vốn) cũng như đầu ra nhờ thanh khoản thị trường cải thiện và nhu cầu sử dụng margin tăng lên khi mặt bằng lãi suất hạ xuống.
Cũng theo VNDS Research, Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành có tác động tích cực tới nhóm ngành điện. Theo kịch bản cơ sở, tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 98 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, tương đương 9,8 tỷ USD/năm, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%). Giai đoạn 2031 -2050, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh và đạt khoảng 363 tỷ USD, tương đương 18,2 tỷ USD/năm, trong đó nhu cầu vốn cho điện gió chiếm phần lớn (63%) và sau đó là điện mặt trời (18%). Nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong 2021 - 2030 và 7% trong 2031 – 2050./.