Cần sớm có cơ chế mới để phát triển vùng Đông Nam Bộ

Cầu Phước An kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành Đồng Nai. Dự kiến khởi công trong tháng 9/2022. Ảnh: Phối cảnh cầu Phước An.

Cơ chế liên kết chưa đủ mạnh

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đầu tiên của vùng Đông Nam Bộ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng: Mặc dù là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước, song thời gian gần đây, tốc độ phát triển của các địa phương trong vùng đã có dấu hiệu chậm lại. Vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và so với các vùng khác. Do vậy, cần sớm có cơ chế mới để phát triển cho vùng này.

Vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là cần đẩy mạnh liên kết về giao thông, du lịch kể cả trong và ngoài vùng để tạo sự đột phá.

Theo ông Mai Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, các quy định về liên kết vùng đối với các địa phương trong vùng lâu nay chưa có chế tài có tính ràng buộc, vì vậy rất khó triển khai thực hiện. Chất lượng liên kết, hay mức độ triển khai các hoạt động liên kết theo các biên bản, hay thỏa thuận hợp tác chưa như kỳ vọng. Liên kết giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị.

Những sự liên kết mang tính lâu dài như phát triển mạng lưới khu công nghiệp, thu hút và quản lý đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… vẫn chưa được chú trọng. Đặc biệt, “hội đồng” vùng không có thẩm quyền huy động và sử dụng nguồn lực nhằm thực hiện các chương trình, dự án của vùng.

Đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương

Trên cơ sở phân tích những điểm nghẽn trong liên kết vùng, nhiều đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, để các địa phương trong vùng tiếp tục duy trì được động lực phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia, cần phải sớm được thể chế hóa mô hình tổ chức liên kết vùng.

Qua đó, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng, điều tiết các nhu cầu cấp vùng, thống nhất và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch vùng; các hoạt động phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong vùng về xúc tiến đầu tư, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, phân bổ nguồn lực phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí tiềm năng và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực thậm chí triệt tiêu động lực phát triển.

Đặc biệt, trung ương cần có cơ chế đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ quyết định chủ trương và quyết định đầu tư đối với các dự án đã có trong quy hoạch được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, Chính phủ cần cho phép mở rộng phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định các nội dung liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương như chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Hiện tại, giao thông kết nối vùng còn hạn chế, chưa theo kịp tiến độ quy hoạch và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nên chưa phát huy hiệu quả cao nhất về kết hợp vận tải đa phương thức và nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống cảng biển.

Do vậy, cần có chính sách huy động tất cả các nguồn lực để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng cảng biển để tạo bước đột phá về cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng.

Đối với ngành du lịch, cần tập trung liên kết hiệu quả hơn với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và mở rộng ra các vùng khác như Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ nhằm khai thác hiệu quả hơn các sản phẩm đặc thù ở từng địa phương, đa dạng hóa các loại hình du lịch, tăng tính cạnh tranh của vùng… từ đó các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có điều kiện mở rộng thị trường; nghiên cứu và nỗ lực cùng các địa phương trong vùng thúc đẩy hoạt động liên kết hiệu quả hơn nhằm đạt được 2 mục tiêu lớn là quảng bá thông tin xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư du lịch.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Nhiều năm qua, Vùng Đông Nam Bộ vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Năm 2020, GRDP của vùng chiếm khoảng 33% GDP cả nước và tổng thu ngân sách của vùng chiếm khoảng 36% tổng thu ngân sách của quốc gia.

Trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực, cụ thể như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, đào tạo nhân lực.