Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng khi trao đổi với PV TBTCO về kết quả thực hiện vốn đầu tư công của ngành Nông nghiệp đến nay.

PV: Thưa ông, được biết đến nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công của ngành Nông nghiệp đang chậm so với các bộ, ngành, đặc biệt là tỷ lệ giải ngấn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) rất thấp. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?

Ông Hoàng Văn Thắng: Trong năm 2018, tổng vốn đầu tư công của Bộ NN&PTNT được giao là khoảng 16.800 tỷ đồng, cao bằng 1,5 lần so các năm trước, các năm trước từ 11.000 – 12.000 tỷ đồng. Đến hết quý II/2018, vốn TPCP giải ngân mới đạt gần 14%, giải ngân vốn ODA và các nguồn vốn khác xấp xỉ 27 – 28%. So với cùng kỳ, giải ngân TPCP chậm.

PV: Vừa qua Bộ NN&PTNT đã đi thực tế kiểm tra kỹ từng dự án để tìm nguyên nhân, vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công chưa đạt yêu cầu trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thắng: Vừa qua Bộ NN&PTNT đã đi thực tế kiểm tra kỹ từng dự án để tìm nguyên nhân, đồng thời nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy giải ngân. Qua thực tế nhận thấy có nguyên nhân thuộc về yếu tố chủ quan như sự vào cuộc không quyết liệt, chậm trễ của các đơn vị.

Song, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến giải ngân vốn TPCP đợt này chậm là do trong 42 dự án (gồm 35 dự án mới và 7 dự án chuyển tiếp) đang triển khai thì có 35 dự án mở mới, phần lớn là những công trình thủy lợi lớn có hồ chứa lớn, công trình đập… có kỹ thuật rất phức tạp. Đến tháng 9/2017 các dự án này mới có thông báo vốn trung hạn, do vậy năm 2018 chủ yếu tập trung vào công tác lập hồ sơ thiết kế (sau khi đấu thầu chọn được đơn vị tư vấn), đến nay khối lượng giải ngân không nhiều.

Ông Hoàng Văn Thắng
  Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng

Cũng theo tổng kết của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, nếu để thiết kế các giai đoạn thì với dự án nhóm C trung bình 20 tháng, dự án nhóm A khoảng 40 tháng. Như vậy, từ tháng 9/2017 đến cuối 2018 mà thiết kế xong, đấu thầu chọn nhà thầu mà giải ngân được gần 14% thì đó là sự nỗ lực rất lớn.

Vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần là phải có sự chuẩn bị trước. Nếu bây giờ đến đầu nhiệm kỳ mới phân bổ vốn mới và bắt đầu thực hiện thì chuyện không giải ngân được là đương nhiên.

Vừa qua Bộ NN&PTNT đã rất nỗ lực, đối với các dự án mở mới này chúng tôi cam kết cơ bản trong quý III và quý VI sẽ lựa chọn xong được thiết kế, nhà thầu và bắt đầu thực hiện đầu tư.

Đới với 7 dự án chuyển tiếp thì có 2 dự án vướng vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Ví dụ, Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Krông Pách Thượng (ĐắkLắk) do hợp phần đền bù GPMB địa phương quản lý thiếu vốn, hiện đang chờ Quốc hội và Chính phủ có ý kiến cho bổ sung từ nguồn dự phòng của Bộ trước khi triển khai tiếp...

Bên cạnh đó, kết quả giải ngân vốn ODA chưa đạt kỳ vọng. Nguyên nhân do một số địa phương chưa bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng, triển khai dự án còn chậm... Chúng tôi thấy rằng việc thực hiện lập đầu tư công trong vấn đề phân bổ và kiểm soát vốn là hết sức thiết và cần phải tuân thủ. Cùng với đó, một số dự án ODA được giao thiếu vốn trung hạn nên chưa được triển khai...

Đối với các dự án trong nước giải ngân chậm do hầu hết các dự án vốn trong nước đều triển khai điều chỉnh thiết kế, dự án và lựa chọn nhà thầu ngay sau khi bố trí vốn kế hoạch năm. Do đó đến đầu quý III/2018 mới trao hợp đồng xây lắp nên giải ngân chủ yếu tập trung vào quý III.

PV: Với những khó khăn nêu trên, theo ông cuối năm 2018 ngành Nông nghiệp có hoàn thành kết quả giải ngân theo yêu cầu của Chính phủ đề ra?

Ông Hoàng Văn Thắng: Chúng tôi sẽ đạt và vượt mốc yêu cầu của Chính phủ. Bộ NN&PTNT xác định 6 tháng cuối năm, từng dự án phải giải ngân hết kế hoạch năm 2017 kéo dài trước 30/12/2018. Đồng thời, giải ngân hết vốn kế hoạch năm 2018 đã giao, vốn giải ngân ODA đạt hoặc vượt 100%, TPCP có thể đạt từ 90 – 95%.

PV: Để đạt mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2018, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Thắng: Để đạt mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT tập trung để khơi thông nguồn vốn dự phòng trung hạn (TPCP và ODA) bổ sung cho các dự án, nhất là dự án đang vướng đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện và giải ngân được vốn kế hoạch 2018 đã bố trí.

Với dự án vốn TPCP trong trung hạn 2017-2020, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp triển khai chủ yếu trong 6 tháng cuối năm, tổng giá trị gói thầu 11.300 tỷ đồng. Do vậy, cần tập trung chú trọng công tác lựa chọn nhà thầu, đảm bảo công khai minh bạch, đúng luật và lựa chọn được các nhà thầu có năng lực thực sự, hạn chế khiếu nại, kiến nghị trong đấu thầu, kéo dài thời gian chọn thầu. Các chủ đầu tư, chủ dự án thực hiện đảm bảo tiến độ từng dự án đã duyệt.

Theo tôi, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tất cả các bước đều phải được thực hiện nhanh, làm đến đâu "gỡ" đến đó; các dự án phải tiến hành khá đồng bộ. Hiện nay đối với các dự án lớn trong quá trình tư vấn thiết kế lập chúng tôi đã có cơ quan thẩm tra, các nhà chuyên môn sẽ xem xét ngay. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hành chính để không để xảy ra tình trạng “ngâm hồ sơ”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Khánh Linh