Cung cấp đường dây nóng quản lý thị trường tại các cây xăng
Trước những biến động của giá xăng dầu trong nước và có hiện tượng các thương nhân đầu mối lớn và các đại lý găm hàng, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có chỉ đạo quyết liệt lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh xăng dầu.
![]() |
Tại cuộc tọa đàm “Phát huy vai trò quản lý nhà nước trong điều hành giá xăng dầu” tổ chức ngày 23/3, ông Trần Hữu Linh cho biết, từ ngày 28/1 đến nay, lực lượng QLTT đã tập trung vào hoạt động kiểm tra, kiểm soát và tập trung toàn lực lượng kiểm tra, kiểm soát 16.800/17.000 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Đặc biệt, lực lượng QLTT cũng tiến hành rút giấy phép hoạt động nhiều cửa hàng xăng dầu ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra giám sát, lực lượng QLTT cho biết hiện nay trong tổng số 16.800 cây xăng được kiểm tra thì có 241 cây xăng đang tạm dừng hoạt động với rất nhiều lý do. Việc thiếu hụt không bán hàng thời gian đầu chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam gây thiếu hụt cục bộ, đến nay tình hình đã trở lại ổn định.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng xử lý rất nghiêm các hiện tượng bán giãn, bán không bán đủ thời gian 24/24 hay trước thời gian cao điểm điều chỉnh giá xăng dầu có cây xăng tạm ngưng không bán. Ngay khi có những phản ánh của người dân, lực lượng QLTT đã nhanh chóng tiếp cận để kiểm tra, nắm bắt tình hình và xử lý” – ông Trần Hữu Linh cho biết.
Theo nhận định của ông Trần Hữu Linh, vấn đề giá xăng dầu tăng dẫn đến cửa hàng đóng cửa hoặc tạm ngưng bán, găm hàng, thì bên cạnh những cửa hàng bán xăng đóng cửa có lý do chính đáng, có báo cáo với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, vẫn có hiện tượng các đại lý đã cố tình đóng cửa chờ tăng giá. Để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, trong thời gian tới, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương kiểm tra với tần suất
2 ngày/lần. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ đề xuất mức độ cao nhất, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. “Chúng tôi tuyên truyền tại các cây xăng, dán liên hệ đường dây nóng của lực lượng QLTT địa phương vào các cây xăng để người dân chủ động phát hiện, gọi cho lực lượng QLTT đến xử lý” - ông Hữu Linh nhấn mạnh.
Cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá
Nhiều ý kiến cho rằng, liệu tình trạng ngưng bán hàng, hay bán hàng nhỏ giọt có thể xảy ra khi giá xăng dầu tiếp tục tăng. Theo các chuyên gia kinh tế, do biên độ điều chỉnh giá xăng dầu thực hiện chu kỳ 10 ngày theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP cộng hưởng do biến động giá xăng dầu thế giới liên tục tăng và neo ở mức cao, dẫn tới tình trạng găm hàng cục bộ. Do đó, bên cạnh việc tăng cường nguồn nhập khẩu và cung ứng hàng của các nhà máy lọc dầu và công tác thị trường cần được thực hiện quyết liệt thì cần rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bám sát giá thị trường thế giới.
Theo TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế, để không phụ thuộc quá vào nhiên liệu xăng dầu, Việt Nam phải có những biện pháp tốt hơn để sử dụng năng lượng sinh học bởi hiện đất nước của chúng ta có rất nhiều tiềm năng.
“Bên cạnh đó, về việc điều chỉnh giá cả, hiện nay chúng ta vẫn giữ điều chỉnh giá tần suất 10 ngày, theo tôi, nên điều chỉnh trong vòng 2 ngày. Bởi vì khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trong nước chênh lệch xa quá. Chúng ta nên thích nghi với tình hình thực tế. Bởi trong tình hình hiện nay, diễn biến trên thị trường thế giới, mọi người cập nhật chỉ trong vòng mấy giây, trong khi chúng ta phải chờ 10 ngày mới điều chỉnh” – TS. Lê Đăng Doanh nói.
Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Trịnh Quang Khanh - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu đem lại 2 lợi ích. Thứ nhất là tạo tâm lý cho các thương nhân đầu mối khi nhập khẩu xăng dầu, tránh trường hợp các đầu mối cứ nhập hàng về thì giá lại tăng và người ta bị lỗ như vừa qua. Việc rút ngắn thời gian điều hành giá có thể giúp các cửa hàng kinh doanh an tâm, thời gian lỗ được rút ngắn. Thứ hai, tạo tâm lý cho người tiêu dùng, giá tăng ở mức độ người tiêu dùng có thể chấp nhận được.
Điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường thế giớiNgày 23/3, Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Công văn số 1808/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền. |