vu quang tho

Ông Vũ Quang Thọ (đứng) - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thông tin về kết quả khảo sát. Ảnh: Mai Đan.

Chiều 12/7, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã tổ chức hội nghị thông tin về kết quả khảo sát tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2018.

Khảo sát được thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương.

Tổng thu nhập trung bình của người lao động đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng

Theo kết quả khảo sát, tiền lương cơ bản người lao động nhận được trung bình là 4,67 triệu đồng/tháng. Trong đó, trong đó người lao động làm việc trong lĩnh vực xây dựng, giao thông có tiền lương cơ bản hằng tháng cao nhất với bình quân là 4,94 triệu đồng; thấp nhất là lao động dệt may với 4,225 triệu đồng.

Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp với nhiều tên gọi khác nhau để tăng thu nhập, giữ chân người lao động, Tuy nhiên, các khoản này thường không tính vào mức đóng bảo hiểm (trừ phụ cấp trách nhiệm, chức vụ).

Tổng thu nhập trung bình của người lao động (không kể tiền ăn ca) đạt gần 5,53 triệu đồng/tháng (cao hơn lương cơ bản là 18,4%), tăng hơn 1,4% so với kết quả khảo sát năm 2017.

Tiền lương cơ bản chiếm 84,4% tổng thu nhập của người lao động. Trong đó, tại doanh nghiệp FDI tỷ lệ này chiếm 77,3%; giày da, chiếm 80,5%; cơ khí, chế tạo kim loại là 75,5%; điện, điện tử là 78,6%; dệt may 81,4%.

Bức xúc nhất của người lao động là vấn đề tiền lương

Theo nhóm khảo sát, với thu nhập và chi tiêu hiện nay (không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống) có 32,1% người lao động cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm, trung bình 1,5 triệu đồng/tháng.

Dù vậy, khi so sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, chỉ có 17,4% người lao động cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống.

Đơn vị : %

Mức độ đánh giá

Chung

Vùng I

Vùng II

Vùng III

Vùng IV

Có dư dật, tích lũy

17,4

28,5

17,0

14,3

7,7

Vừa đủ trang trải cho cuộc sống

43,7

39,3

43,1

46,3

45,1

Phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ

26,5

22,0

28,2

23,8

37,1

Không thể đủ sống, phải làm thêm giờ

12,5

10,2

11,7

15,6

10,0

Bảng: Tỷ lệ người lao động đánh giá thu nhập so với chi tiêu của gia đình mình (Nguồn: Viện Công nhân và Công đoàn).

Theo ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, so với năm 2017, tỷ lệ cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%. Số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” chỉ tăng nhẹ (0,5%). Nhưng tỷ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỷ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%.

Ông Thọ cũng cho rằng, mặc dù tổng thu nhập của người lao động cao hơn năm 2017 nhưng vẫn chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc của công nhân. Trong đó, bức xúc nhất của người lao động hiện nay vẫn là vấn đề mức tiền lương còn thấp và không có, hoặc có ít các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập bảo đảm cuộc sống.

Ngoài ra, các vấn đề khác tuy tỷ lệ có bức xúc không cao, nhưng cũng thể hiện sự không hài lòng của người lao động. Đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng tranh chấp lao động và đình công vẫn còn xảy ra./.

Mai Đan