tài chính ngân sách

Ảnh T.L minh họa

Hướng dẫn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 62/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định 180/2002/QĐ-TTg và 30/2015/QĐ-TTg.

Theo đó, phạm vi và nguyên tắc cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý được quy định như sau: Ngân sách nhà nước chỉ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đối với các khoản vay thuộc đối tượng được quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP.

Mức cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất bình quân các nguồn vốn với lãi suất cho vay bình quân và dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc cấp bù được thực hiện theo phương thức tạm cấp hàng quý.

Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đề nghị cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định tại Thông tư này.

Thông tư 62/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2016.

Quy định mới trong triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung

Từ ngày 01/6/2016, Thông tư 52/2016/TT-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, đại lý bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất ba tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm hoặc đã có ít nhất một năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng bảo hiểm hoặc đã tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.

Như vậy, thời gian kinh nghiệm và thời gian làm việc đã giảm một nửa so với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 19 của Quyết định 96/2007/QĐ-BTC.

Ngoài ra, đại lý bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung phải không vi phạm quy định pháp luật về hoạt động đại lý bảo hiểm và quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm. Được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Điều chỉnh chế độ thu, nộp phí tại Sở Giao dịch chứng khoán

Ngày 26/4/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 65/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, chế độ thu, nộp phí tại Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán như sau: Nộp phí quản lý thành viên giao dịch (TVGD), phí duy trì kết nối định kỳ, phí sử dụng thiết bị đầu cuối đối với tổ chức đăng ký lại tư cách TVGD.

Nộp phí quản lý TVGD, phí duy trì kết nối định kỳ, phí sử dụng thiết bị đầu cuối năm tiếp theo đối với thành viên bị ngừng giao dịch hoặc bị đình chỉ giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến kéo dài sang năm tiếp theo mà không bị chấm dứt tư cách thành viên.

Không nộp phí quản lý TVGD, phí duy trì kết nối định kỳ, phí sử dụng thiết bị đầu cuối trong các năm tiếp theo đối với thành viên ngừng giao dịch hoặc bị đình chỉ giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến để chấm dứt tư cách thành viên trong năm đó.

Thông tư 65/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/6/2016 và thay thế Thông tư 27/2010/TT-BTC, Thông tư 02/2013/TT-BTC.

Cách tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo hướng dẫn tại Thông tư 66/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 13/6/2016, với công thức sau: F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó: F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ; Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3); Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3); f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3; f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3); K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó: Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,05; Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

Thông tư 66/2016/TT-BTC thay thế Thông tư 158/2011/TT-BTC và áp dụng cho kỳ kê khai, nộp phí từ tháng 5/2016.

Thủ tục thẩm định đồ chơi trẻ em nhập khẩu qua Cơ chế một cửa quốc gia

Thông tư liên tịch 64/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia với thủ tục thẩm định nội dung đồ chơi trẻ em nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hiệu lực từ 15/6/2016.

Theo đó, trường hợp cơ quan hải quan (CQHQ) nghi ngờ nhưng không tự xác định được mặt hàng đồ chơi trẻ em có thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành, kinh doanh tại thị trường Việt Nam không sẽ được xử lý như sau:

CQHQ gửi Yêu cầu thẩm định dưới hình thức chứng từ điện tử thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiến hành trưng cầu giám định; hoặc lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để xác định hàng hóa đó có được phép nhập khẩu hay không.

Yêu cầu thẩm định dưới hình thức chứng từ điện tử xem tại Mẫu 1 Phụ lục I của Thông tư liên tịch 64/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL. Chậm nhất 36 giờ làm việc kể từ thời điểm tiếp nhận Yêu cầu thẩm định, cơ quan xử lý gửi Yêu cầu xuất trình hàng mẫu dưới hình thức chứng từ điện tử tới CQHQ và người khai thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Bổ sung quy chế quản lý tài chính với Ngân hàng Phát triển

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 67/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 111/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007 hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo đó, tiết b điểm 3.2 khoản 3, phần V cấp bù chênh lệch lãi suất, Thông tư 67 /2016/TT-BTC bổ sung, khi tính toán tổng nguồn vốn thực tế làm căn cứ tính cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Phát triển Việt Nam được loại trừ: Số vốn thực tế đã sử dụng để đầu tư, mua sắm tài sản cố định (nguyên giá tài sản cố định trừ đi khấu hao); nguồn vốn ODA, vốn nhận ủy thác của địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn Nhà nước chuyển sang để thực hiện khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng theo quyết định của Chính phủ, các nguồn vốn sử dụng cho các hoạt động không được cấp bù chênh lệch lãi suất. Ngoài ra còn có tồn quĩ tiền mặt và tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác để đảm bảo khả năng chi trả, thanh toán theo mức thực tế nhưng tối đa không vượt quá 7% tính trên nguồn vốn được sử dụng để cho vay bình quân.

Nguồn vốn được sử dụng để cho vay bình quân là tổng nguồn vốn thực tế sau khi đã loại trừ các nguồn vốn nêu trên.

Thông tư 67/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2016 và được áp dụng kể từ năm tài chính 2015.

Lấy tài sản thu hồi từ tham nhũng làm Quỹ khen thưởng

Ngày 06/5/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch 70/2016/TTLT-BTC-TTCP quy định việc lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng.

Theo đó, nguồn kinh phí cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng gồm nguồn từ tài sản được thu hồi qua các vụ, việc liên quan đến tham nhũng, cụ thể các trường hợp cá nhân giúp thu hồi cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở; trường hợp cơ quan, tổ chức giúp thu hồi cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị lớn mà được xét thưởng vượt mức quy định.

Nguồn tiếp theo là từ ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do ngân sách trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ. Nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng.

Thông tư liên tịch 70/2016/TTLT-BTC-TTCP có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2016./.

Hoàng Lâm