Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, khi trả lời phỏng vấn TBTCVN về quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn.

Chính sách tài khóa – động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

KỲ VỌNG TIẾP TỤC GIẢI THÀNH CÔNG "BÀI TOÁN KHÓ"

*PV: Thưa Bộ trưởng, ngành Tài chính đã có một năm 2023 ghi dấu thành công, đặc biệt là hiệu quả từ công tác điều hành chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhìn nhận lại năm qua, Bộ trưởng có đánh giá như thế nào?

Năm 2023 tiếp tục là một năm thành công trong kiểm soát bội chi; đồng thời, quản lý nợ công cũng là một điểm sáng trong điều hành chính sách tài khóa thời gian qua, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế đánh giá là bền vững, có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng.
Ước tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2023 dưới 4% so với mức 4,42% Quốc hội cho phép, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

Nợ chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với trần 50%. Không những thế, cơ cấu nợ tích cực, dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần.
Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi sau một thời gian Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ cơ cấu lại nợ công, Việt Nam có nhiều dư địa vay nợ công để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả kinh tế nhanh nhất và bền vững nhất.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nền kinh tế Việt Nam đã có một năm “vượt gió ngược”, hồi phục để tăng trưởng và trở thành điểm sáng trong bức tranh tổng thể còn “xám màu” của kinh tế toàn cầu. Thành công đó có được là nhờ vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ, ngành địa phương và sự nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng, đó là thành công từ “sức mạnh hợp thành” của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

Dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức nhưng ngành Tài chính cơ bản đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, nhờ hiệu quả từ những “chính sách đặc biệt” được triển khai trong “bối cảnh đặc thù”, góp phần quan trọng cho công cuộc khắc phục khó khăn, hồi phục kinh tế - xã hội đất nước sau đại dịch Covid-19. Năm qua, nhiều ý kiến cũng đề nghị chúng tôi triển khai mạnh hơn chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, tuy nhiên trên thực tế, chính sách này đã được ngành Tài chính áp dụng trong mấy năm qua dưới sự đồng thuận của Chính phủ và các cấp, các ngành.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, chúng ta vẫn dành hàng chục nghìn tỷ đồng từ tăng thu, tiết kiệm chi để chi cho đầu tư phát triển; đồng thời áp dụng các giải pháp điều chỉnh miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí… đã và đang hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong năm qua. Chúng tôi kỳ vọng những chính sách “khoan sức dân”, thúc đẩy “vốn mồi” của Nhà nước sẽ tạo động lực cho kích cầu, tạo động lực mạnh mẽ hơn cho kinh tế hồi phục trong thời gian tới.

*PV: Năm 2024, bên cạnh các yếu tố khó khăn, thách thức khó lường từ thế giới, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã nêu rõ “trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn”. Với ngành Tài chính, những khó khăn, thách thức đó là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2024 tình hình thế giới chắc chắn sẽ còn có tác động không thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế trong nước, đặc biệt là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xuất nhập khẩu. Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp trong điều hành công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2024. Chúng tôi quyết tâm thực hiện quyết liệt, đồng bộ chính sách khóa mở rộng, phối hợp cùng chính sách tiền tệ hiệu quả.

Điều này có nghĩa tiếp tục giải “bài toán khó” là triển khai chính sách tài khóa mở rộng hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Tuy nhiên, mức độ nới lỏng sẽ được cân tính thận trọng, chặt chẽ, hợp lý, đủ liều lượng trong ngắn hạn để đạt được đa mục tiêu như trên.

*PV: Theo Bộ trưởng, liệu rằng điều đó có giúp cho ngành Tài chính nối dài những thành công của năm 2023 trong năm mới Giáp Thìn này hay không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi tin tưởng, kỳ vọng điều đó, bởi cho đến lúc này sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp có thẩm quyền vẫn thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Kết luận, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội đã quán triệt phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu quán triệt tinh thần Chủ đề điều hành của năm 2024 của Chính phủ là "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Tôi cho rằng, thách thức, khó khăn vẫn hiện hữu, nhưng cơ hội, thời cơ luôn song hành. Ngành Tài chính sẽ quyết tâm cao nhất để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong các lĩnh vực như thị trường chứng khoán (TTCK), bảo hiểm, tài chính ngân sách, thông quan, chống buôn lậu, hoàn thiện thể chế tài chính. Với nền tảng tích lũy từ 2023 và những năm trước đó và điểm đáng mừng là năm 2024 đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định.

Chính sách tài khóa – động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thăm và làm việc với Sở Giao dịch Chứng khoán Euronext tại Brussels trong chuyến công tác tại Vương Quốc Bỉ tháng 7/2023. Ảnh: Duy Thái.

THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH TIẾP TỤC SẼ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
VỀ CHẤT LƯỢNG VÀ TÍNH LÀNH MẠNH, BỀN VỮNG

*PV: Thưa Bộ trưởng, một lĩnh vực quản lý rất quan trọng của Bộ Tài chính đó phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường bảo hiểm vừa trải qua nhiều biến động. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Các thị trường tài chính trong thời gian qua chịu nhiều tác động từ cả yếu tố khách quan và chủ quan, từ cả tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Những tác động đó đã làm TTCK có nhiều biến động, thị trường TPDN riêng lẻ, cũng như thị trường bảo hiểm gặp phải khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của các cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư, người dân…. các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử ký kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn. Chúng tôi có nhiều giải pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự minh bạch, chặt chẽ, chẳng hạn như thành lập sàn giao dịch TPDN riêng lẻ…

Cũng như nền kinh tế nói chung, khó khăn, thách thức, yếu tố khó lường đối với các thị trường tài chính vẫn hiện hữu trong năm nay; tuy nhiên, với nền tảng đã xây dựng, các giải pháp đã triển khai và sự chủ động vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính sẽ tiếp tục có những bước chuyển tích cực hơn về chất lượng và tính lành mạnh, bền vững.

BIẾN CƠ HỘI NGOẠI GIAO KINH TẾ THÀNH HIỆU QUẢ THIẾT THỰC

*PV: Năm 2023, công tác đối ngoại của Việt Nam được đánh giá là một “đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, là điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước”. Bộ trưởng có thể cho biết kế hoạch biến cơ hội thành hiệu quả thiết thực sau thành công chung về đối ngoại kinh tế thời gian qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2023 đã chứng kiến ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng về "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". Chính phủ cũng đã đánh giá, công tác ngoại giao kinh tế thời gian qua đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao trong năm qua đã giúp mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với nhiều đối tác, góp phần bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút nhiều nguồn lực mới, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp (FII), viện trợ không hoàn lại (ODA), khoa học công nghệ...

Với ngành Tài chính, chúng tôi nhiều năm qua đã luôn chú trọng công tác này, đặc biệt là trong năm 2023 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực bước đầu để tận dụng thời cơ của một năm “thành công rực rỡ” của ngoại giao kinh tế đất nước.

Thời gian qua, chúng ta đã có nhiều thành công thông qua các chỉ tiêu về nợ công quốc gia, nợ chính phủ từ 43,1% năm 2021 xuống còn 37% năm 2023. Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài đã được triển khai từ năm 2014. Các chương trình xúc tiến đầu tư đã góp phần quan trọng quảng bá tiềm năng của nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng tới cộng đồng đầu tư quốc tế giúp thu hút nguồn… tài chính dài hạn, lãi suất thấp phục vụ phát triển kinh tế.

Năm 2024 này, trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả tích cực đạt được của các năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn nước ngoài tham gia vào TTCK Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối, xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý TTCK, các định chế, tổ chức tài chính, đầu tư lớn trên thế giới.

Trước mắt, dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ Tài chính sẽ tổ chức Chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản để tiếp tục thu hút vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

*PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP TỪ NGÀY ĐẦU, THÁNG ĐẦU

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chính phủ đã đặt ra phương châm hành động. Bộ Tài chính đã yêu cầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2024.

Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân sách, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong các tình huống đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng.

Cùng với đó, yêu cầu đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Song song với đó, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; Thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn với đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên; tích cực, chủ động hội nhập tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; thực hiện tốt công tác quản lý nội ngành, phát huy vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý.

Các đơn vị của ngành Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện có hiệu quả, trong đó, xác định rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện và phân công đơn vị chủ trì; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Chúng tôi yêu cầu phải triển khai quyết liệt, có hiệu quả ngày từ ngày đầu, tháng đầu của năm.