PV: Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho doanh nghiệp (DN). Ông đánh giá thế nào về tác động của những chính sách này đến sự phục hồi của DN sau đại dịch Covid-19?

Chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
TS. Tô Hoài Nam

TS. Tô Hoài Nam: Tôi cho rằng, những chính sách tài khóa đã hỗ trợ, tháo gỡ, giảm bớt khó khăn cho DN ở giai đoạn phục hồi kinh tế sau những tác động của đại dịch Covid-19. Ở đây cần hình dung ra một số điểm tích cực, kịp thời của chính sách tài khóa.

Các chính sách rất chủ động về phía Bộ Tài chính - vừa là cơ quan tham mưu, vừa là cơ quan thực thi, có hướng dẫn cụ thể. Cộng đồng DN ghi nhận sự chủ động của Bộ Tài chính trong việc tham mưu, dự thảo và trình Chính phủ ban hành các văn bản miễn giảm thuế, phí. Đây là những chính sách rất phù hợp với cộng đồng DN, vì những chính sách đó nhằm mục đích giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN trong lúc khó khăn. Những chính sách giảm, giãn thuế đã thiết thực giảm bớt áp lực thực hiện nghĩa vụ thuế của DN, trong đó có chính sách về tiền thuê đất.

PV: Bộ Tài chính đã tham mưu và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ông có bình luận gì về hiệu quả, tác động tích cực của chính sách này đối với DN trong thời gian qua?

TS. Tô Hoài Nam: Trước tiên cần phải nói rằng thuế GTGT là thuế gián thu, có nghĩa là đối tượng chịu thuế cuối cùng là người tiêu dùng. Tại thời điểm ban hành chính sách này có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng qua thực tế và quan điểm của VINASME thì đây là chính sách rất cần thiết, giúp DN giảm được dòng tiền. Xét cho cùng chính sách này còn có ý nghĩa xã hội, không chỉ tác động đến hoạt động của DN mà còn giúp giảm giá thành sản phẩm.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Hồng Vân

Mặc dù có ý kiến đánh giá 2% là số giảm không đáng kể nhưng tôi cho rằng, không một chính sách nào có thể giải quyết hết được các vấn đề lớn trong việc phục hồi kinh tế, khi DN bị tổn thương mạnh sau 2 năm Covid-19. Mỗi chính sách có ý nghĩa và có vai trò của nó, cộng hưởng tác động tích cực của nhiều chính sách sẽ tạo nên đáp số hiệu ứng lớn, thiết thực cho DN, người lao động phục hồi.

Nhìn nhận từ góc độ này, tôi rất đồng tình với chính sách giảm thuế GTGT đã và đang được triển khai trong thời gian qua.

PV: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN trong giai đoạn khôi phục kinh tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2022/NĐ-CP (ngày 28/5/2022) về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2022. Ông có bình luận gì về tác động của chính sách này đối với các DN trong giai đoạn hiện nay?

TS. Tô Hoài Nam: Tính đến hết tháng 7/2022, theo tôi nắm được, tổng số tiền thuế, phí và lệ phí được gia hạn và giảm để hỗ trợ DN và các hộ kinh doanh ước khoảng gần 90.000 tỷ đồng. Con số này thể hiện quy mô và tính hấp thụ chính sách, tác động thiết thực đến DN và các hộ kinh doanh.

Mặc dù mới chỉ đáp ứng được phần nào kỳ vọng của DN, nhưng như tôi đã đề cập ở trên, kết quả này thể hiện rõ nét sự chủ động của Bộ Tài chính trong việc đôn đốc các đơn vị trong ngành triển khai chính sách.

Tôi đánh giá cao chính sách gia hạn nộp thuế tại Nghị định số 34/2022/NĐ-CP đã áp dụng gia hạn thuế khá rộng cho đối tượng thụ hưởng, từ gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN cho đến thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2022.

Tác dụng kép từ chính sách tài khóa

Theo Bộ Tài chính, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu trong thời gian qua đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

PV: Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đang cản trở đà phục hồi chung. Từ bài học kinh nghiệm của thực hiện chính sách tài khóa trong thời gian qua, theo ông, để việc hỗ trợ DN thực sự kịp thời, hiệu quả, cần lưu ý điều gì?

TS. Tô Hoài Nam: Để các chính sách tài khóa này phát huy hiệu quả hơn nữa, tôi kiến nghị một số ý.

Thứ nhất, cần có chính sách tiếp tục giảm chi phí cho DN, để có thể tăng cường khả năng tiếp cận hơn nữa các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.

Thứ hai, tôi mong rằng, Bộ Tài chính có giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo về chính sách tiền tệ, tài khóa để giúp DN nắm bắt tình hình và có biện pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp trước những tác động của kinh tế thế giới cũng như trong nước.

Thứ ba, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu, cân nhắc và đề xuất đưa ra chính sách về tài khóa hỗ trợ cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như ngành du lịch để tạo dư địa cho DN, người dân hoạt động trong lĩnh vực này phục hồi, phát triển trở lại. Trong đó, cần tính đến chính sách hỗ trợ thiết thực hơn cho DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!