Giá cà phê, cao su thời gian tới biến động ra sao?
Giá cà phê trong thời gian tới dự kiến biến động theo xu hướng tăng. Ảnh tư liệu

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cà phê, cao su trong nước và thế giới tháng 4/2024?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Trong tháng 4/2024, giá cà phê và cao su trên thế giới lẫn thị trường Việt Nam đều ghi nhận những biến động lớn.

Giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch liên lục địa châu Âu (ICE EU) đạt mức cao nhất trong lịch sử khi vượt 4.500 USD/tấn vào ngày 24/4. Sau đó, giá xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm về mặt kỹ thuật. Tính đến 30/4, giá Robusta vẫn ghi nhận trên 4.000 USD/tấn, tăng 20% trong 1 tháng và cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên Sở Giao dịch liên lục địa New York (ICE US) ghi nhận mức cao nhất trong 2 năm vào ngày 17/4 khi vượt 240 cents/pound. Nửa sau tháng 4, giá đã có nhịp điều chỉnh nhưng vẫn cao hơn 15% so với hồi đầu tháng, cũng như tăng 30% so tháng 4/2023.

Bất chấp các nhịp điều chỉnh từ giá cà phê quốc tế, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới vào ngày 30/4, vượt 134.400 đồng/kg. Mức đỉnh lịch sử này tăng 36% so với hồi đầu tháng và cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với giá cà phê, giá cao su thế giới trong tháng 4 đã chứng kiến sự dịu lại so với giai đoạn 3 tháng đầu năm trên cả hai Sở Giao dịch hàng hóa Osaka (OSE) tại Nhật Bản và Sở Giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) của Trung Quốc. Ghi nhận từ MXV, giá cao su giao dịch trên Sở OSE tính đến hết tháng 4 đóng cửa tại mức giá 307 Yên/kg, giảm 5,57% so với thời điểm đầu tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn 47,6% so với cùng kỳ 2023.

Cùng chung xu hướng với giá cao su giao dịch trên Sở OSE, diễn biến giá cao su trên Sở SHFE cũng giảm nhẹ. Trong tháng 4 giá cao su trên Sở SHFE giảm nhẹ 3,41% so với đầu tháng nhưng vẫn tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tăng. Trong 15 ngày đầu tháng 4, mỗi tấn cao su xuất khẩu từ nước ta thu về trung bình khoảng 1.591 USD, cao hơn gần 200 USD/tấn, tương đương 14% so với cùng kỳ năm 2023.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng này tăng, giảm trong tháng qua?

Giá cà phê, cao su thời gian tới biến động ra sao?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, nguyên nhân cốt lõi đẩy giá cà phê đạt đỉnh trong giai đoạn vừa qua xuất phát từ tâm lý lo ngại nguồn cung ở mức thấp tại các quốc gia sản xuất chính.

Khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, nơi trồng cà phê chính của Việt Nam liên tục trải qua tình trạng khô nắng nghiêm trọng trong tháng 4, khiến sản lượng cà phê vụ 24/25 của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục giảm so với vụ hiện tại. Hơn thế, sản lượng cà phê tại Việt Nam niên vụ 23/24 dự kiến giảm 10% so với vụ trước, xuống còn 1,66 triệu tấn, đây là mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 4 năm qua.

Không chỉ tại Việt Nam, các quốc gia cung ứng chính khác trên thị trường cũng đang đối mặt với rủi ro sản lượng giảm. Tại Brazil, giới chuyên gia nhận định sản lượng cà phê trong niên vụ 24/25 dự kiến giảm từ 5% đến 10% so với niên vụ hiện tại.

Tại Indonesia, độ ẩm quá mức đã khiến hoạt động thu hoạch của nông dân phải trì hoãn sang tháng 6. Nguồn cung eo hẹp hơn đã hạn chế khả năng xuất khẩu cà phê của Indonesia ra thị trường quốc tế. Trong tháng 3 vừa qua, quốc gia này chỉ xuất đi 3.093,4 tấn cà phê, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với cao su, nguyên nhân khiến giá mặt hàng này chững lại so với những tháng đầu năm đến từ nhu cầu của “bạn hàng” Trung Quốc sụt giảm. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phục hồi chậm hơn so với dự kiến, hoạt động tiêu thụ cao su cho ngành sản xuất ô tô tại quốc gia tỷ dân này cũng có phần chững lại. Cụ thể, nhập khẩu các sản phẩm từ cao su của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 2,004 triệu tấn.

Bên cạnh đó, giá dầu thô thế giới đi xuống trong tháng 4 khi lạm phát tại Mỹ trong tháng 3 “nóng” trở lại và căng thẳng tại Trung Đông hạ nhiệt. Điều này khiến cho giá cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn trên thị trường. Với vai trò sản phẩm thay thế, giá cao su tổng hợp đã kéo theo giá cao su tự nhiên đi xuống.

PV: Dự báo giá cà phê, cao su trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, giá cà phê thế giới trong thời gian tới sẽ còn nhiều biến động khó lường.

Một mặt, sự thiếu hụt trong nguồn cung vụ hiện tại kết hợp cùng triển vọng nguồn cung cà phê vụ 24/25 tiêu cực tại Việt Nam vẫn là tâm điểm chú ý của thị trường. Đây cũng là nhân tố quan trọng hỗ trợ giá khi nông dân trong tâm thế găm hàng và tình hình khô hạn tại Tây Nguyên còn kéo dài khoảng 1 tháng trước khi vào mùa mưa.

Mặt khác, nông dân tại Brazil đã tiến hành thu hoạch cà phê vụ 24/25 sẽ là điểm tựa tốt giúp giá có những nhịp điều chỉnh giảm. Dù sản lượng được dự đoán có thể giảm 5 - 10% so với dự đoán ban đầu, sự khô ráo của thời tiết tại vùng thu hoạch chính được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tiến độ. Điều này có thể giúp cà phê vụ mới sớm được đẩy ra thị trường, bổ sung cho hoạt động xuất khẩu vốn đã tích cực ở hiện tại.

Về phía Việt Nam, giá cà phê nhân xô của nước ta vẫn thiên hướng tiếp diễn xu hướng giá tăng. Trước tình hình nguồn cung khan hiếm như hiện tại, giá trong nước vẫn có khả năng hướng tới 150.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cao su thế giới và Việt Nam sẽ thiên nhiều về khả năng giảm trong ngắn hạn. Nhu cầu về cao su của bạn hàng lớn nhất nước ta là Trung Quốc đang chững lại.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuất khẩu cà phê đạt hơn 2,23 tỷ USD trong 4 tháng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của cả nước đạt gần 670.000 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch đạt hơn 2,23 tỷ USD, tăng 56,4%. Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.351 USD/tấn, tăng 49,5% so với cùng kỳ.