Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: TL

Khu công nghệ cao thu hút được 109 dự án đầu tư

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023 của Chính phủ về việc chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về UBND TP. Hà Nội..., Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023.

Đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng.

Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao: 33 dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, 19 dự án trong lĩnh vực tự động hóa; 13 dự án trong lĩnh vực vật liệu mới, 9 dự án trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 6 hội nghị đối thoại chuyên đề do UBND TP. Hà Nội lên kế hoạch tổ chức, với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô; đồng thời hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố.

Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các công nghệ cao thuộc 55 nhóm công nghệ cao, 31 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề, doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.

“Con số này rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh việc đầu tư phát triển một mô hình mới như Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã và vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, kết quả thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng” - ông Trần Sỹ Thanh nhận định.

Là nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vinaconex Nguyễn Khắc Hải cho biết, hiện trạng đất đai tại một số khu vực trong khu còn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến việc đầu tư đồng bộ hạ tầng tại các khu chức năng cũng như việc triển khai của một số dự án đầu tư.

Cũng đang gặp vướng mắc về việc giải phóng mặt bằng, Tổng giám đốc Công ty Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc FPT Nguyễn Văn Lộc cho hay, FPT là một trong số các nhà đầu tư đầu tiên tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với 3 dự án đang triển khai. Hiện Đại học FPT còn 7,6 ha, khu công nghệ cao 1 còn 19 ha chưa giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, FPT cũng nêu khó khăn về giá và cơ chế cho thuê đất. Cụ thể, doanh nghiệp chưa xác định được tiền cho thuê đất, tiền hoàn trả chi phí giải phóng mặt bằng; chưa có hợp đồng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án.

Ngoài khó khăn giải phóng mặt bằng, tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng nêu khó khăn về hạ tầng. Hiện nay, giao thông kết nối nội thành và Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động, các dự án nhà ở, hạ tầng xã hội tại khu chưa có.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng tín hiệu sóng điện thoại yếu, không có sóng điện thoại di động trong khu vực nhà xưởng. Cường độ sóng điện thoại đi động quá yếu làm hạn chế, gián đoạn liên lạc trong công việc và xử lý các trường hợp khẩn cấp.

Do đó, đề nghị UBND TP. Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với các nhà mạng di động có biện pháp cải thiện chất lượng sóng điện thoại di động, trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc...

Hà Nội đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc
Khu công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được bàn giao về Hà Nội quản lý từ ngày 24/11/2023. Ảnh: TL

Hà Nội cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh và đại diện các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã trực tiếp trả lời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu quan điểm, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, cạnh tranh thu hút dự án công nghệ cao ngày càng quyết liệt, các nước có những bước đi mạnh mẽ thu hút dự án công nghệ cao. Do đó, vai trò của cơ chế chính sách khu công nghệ cao vô cùng quan trọng. Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút nhà đầu tư về đất đai, thu hút nhân lực.

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông. Trên thực tế, đây là điểm nghẽn không thu hút được các nhà đầu tư vào khu công nghệ. Mặt khác, cần có chương trình xúc tiến đầu tư có trọng điểm, xúc tiến các tập đoàn lớn đầu tư vào công nghệ cao.

Sau khi lắng nghe và đối thoại với các nhà đầu tư đang đầu tư, hoạt động tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, những khó khăn vướng mắc là những vấn đề không mới, nhưng vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan nên chưa thể giải quyết được.

“Để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm thì chỉ quyết tâm và nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước thôi là chưa đủ, mà rất cần sự đồng hành, hưởng ứng của các nhà đầu tư. Trên tinh thần hợp tác cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, tôi mong rằng các nhà đầu tư sẽ nghiêm túc và quyết tâm thực hiện cam kết đầu tư của mình tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc” - ông Trần Sỹ Thanh nêu quan điểm.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh khẳng định, chính quyền thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thời gian tới, UBND thành phố sẽ tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có các giải pháp để sớm đáp ứng các điều kiện về nhà ở và hạ tầng xã hội, giao thông đi lại thuận tiện; đồng thời sẽ tiếp tục đầu tư các cơ sở hạ tầng công nghệ cao, trong đó có các khu thử nghiệm có kiểm soát... để tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy các hoạt động công nghệ cao.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1998 với tính chất là yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá nền kinh tế khu vực và cả nước với vai trò là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới; là điểm thử nghiệm, thí điểm rút kinh nghiệm cho việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghệ cao trong cả nước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.586 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai chia thành 8 khu chức năng (Khu giáo dục và đào tạo, Khu nghiên cứu và triển khai, Khu phần mềm, Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu hỗn hợp, Khu trung tâm, Khu nhà ở, Khu giải trí và thể dục thể thao) và các khu vực phụ trợ (hồ Tân Xã, vùng đệm và cây xanh).