Chính sách tài khóa và tiền tệ phải đảm bảo linh hoạt, hiệu quả

PV: Qua 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp… Ông đánh giá thế nào về những chính sách này và tác động của các chính sách tới phục hồi kinh tế?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, Quốc hội, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt đối với chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ tiết giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời duy trì ổn định vĩ mô, góp phần quan trọng vào các thành quả đạt được của nền kinh tế.

Chính sách tài khóa và tiền tệ phải đảm bảo linh hoạt, hiệu quả
PGS.TS Phạm Ngọc Dũng

Đối với chính sách tài khóa, đã ban hành và triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất và các khoản thu ngân sách nhà nước khác để giúp doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh giảm chi phí, có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó, nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng đã được thực hiện đồng bộ, trong đó có giảm lãi suất, giữ nhóm nợ, cho vay chính sách để trả lương ngừng việc đối với người lao động và hỗ trợ người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch...; định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động thông qua chính sách cho vay trả lương, phục hồi sản xuất, trong đó đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động.

Mặt khác, ở góc độ quản lý vĩ mô, việc thực hiện quản lý tập trung tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng thương mại về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương không chỉ giúp Kho bạc Nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ và năng lực quản trị dòng tiền, mà còn giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tiền, điều hành cung - cầu tiền tệ hiệu quả hơn.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa và tiền tệ đã đảm bảo thực hiện được các mục tiêu ổn định giá cả, huy động được nguồn lực hợp lý cho ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, đầu tư phát triển hạ tầng…

PV: Ngày 11/1/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, những vấn đề gì cần ưu tiên hàng đầu để nền kinh tế phục hồi nhanh và phát triển bền vững?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Theo tôi, dịch Covid-19 có thể vẫn còn kéo dài, để nền kinh tế phục hồi nhanh trong thời gian tới, việc quan trọng là phải sống chung an toàn với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa phải tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm thuốc, vắc-xin để phòng chống dịch. Đồng thời, chủ động rà soát để các cơ chế chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, gắn với trách nhiệm sử dụng hiệu quả gói hỗ trợ.

Trong đó, cần phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Chính sách phải tác động cả tổng cung, tổng cầu và phối hợp tốt với các chương trình hỗ trợ khác để tạo thành tổng lực. Về giải pháp cụ thể, cần tiếp tục giảm chi phí; giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính; mở rộng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp, quan tâm hơn nữa cho an sinh xã hội... Có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, có tư duy đột phá, sáng tạo, khuyến khích tạo lập “đặc khu” doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc huy động nguồn lực để thực hiện chính sách là điều quan trọng. Do đó, cần thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

PV: Để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục thực hiện ra sao, thưa ông?

PGS.TS Phạm Ngọc Dũng: Chúng ta cần tiếp tục điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành các mục tiêu cân đối nguồn lực ngân sách cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo mức bội chi ngân sách hợp lý, giữ vững an toàn nợ công, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Để đạt được mục tiêu trên, ưu tiên tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới là bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19, kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để đổi mới cơ chế phân cấp cho ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tạo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị; đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số...

Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy trình ngân sách, quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; các chính sách an sinh xã hội; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật vì suy cho cùng, hiệu quả các nguồn lực phụ thuộc vào người sử dụng nó. Do đó, chính sách tài khóa - tiền tệ hay các gói hỗ trợ hiệu quả hay không hiệu quả phụ thuộc vào tính minh bạch và kỷ luật, kỷ cương tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách tài khóa, tiền tệ góp phần quan trọng
phục hồi và phát triển kinh tế

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Dũng, với sự kịp thời, chủ động và linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ đã góp phần quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế của năm 2021. Các kết quả có thể thấy rõ như: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán, trong đó thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh của 3 khu vực kinh tế vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực.