ck

Chưa có sự ủng hộ của dòng vốn

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với việc lạm phát dần trở thành một mối lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới, chính sách tiền tệ cũng đang bắt đầu đảo chiều. Đáng chú ý, Hoa Kỳ, châu Âu và gần đây nhất là Nhật Bản đều đang hướng tới việc kết thúc các chương trình nới lỏng tiền tệ. Điều này sẽ khiến thị trường cổ phiếu càng dễ bị tổn thương. Việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất, lợi tức trái phiếu Hoa Kỳ tăng cũng khiến đồng tiền ở các thị trường mới nổi mất giá. Thực tế này chính là nguyên nhân đưa đến việc giới đầu tư đang chứng kiến một cuộc rút vốn lớn khỏi các thị trường chứng khoán (TTCK) mới nổi và cận biên, trong đó có cả TTCK Việt Nam.

Đối với những thị trường còn tiềm năng, dòng vốn vẫn có thể sẽ quay lại. Tuy nhiên quá trình này sẽ mất nhiều thời gian, nhất là khi sự không rõ ràng từ các động thái của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump hay cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc vẫn còn đó.

Nói tóm lại, dễ dàng nhận thấy thực tế là đang có khá nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền tham gia thị trường. Bên cạnh đó, thống kê kết quả kinh doanh (KQKD) sơ bộ quý II và 6 tháng đầu năm cho thấy câu chuyện tăng trưởng chỉ hiện diện ở những cổ phiếu cụ thể. Do vậy, nhà đầu tư (NĐT) cần tập trung lựa chọn cổ phiếu kỹ càng hơn.

“Đây là thời điểm cần thận trọng, nên việc giữ một tỷ trọng tiền mặt cao trong lúc này không phải là chiến lược tệ. Tuy nhiên, việc giải ngân cũng có thể tiến hành một cách từ tốn do cổ phiếu khó có thể tăng nhanh một khi thị trường đang thiếu hẳn bóng dáng của dòng vốn lớn” – VDSC khuyến nghị.

Cần lựa chọn cổ phiếu cụ thể

Theo phân tích của VDSC, thống kê xu hướng thu nhập từ lãi KQKD quý II/2018 của các DN công bố cho thấy, lợi nhuận của nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm này. Cụ thể, cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 38% nhưng có vẻ như kết quả quý II không tốt bằng quý I. Nhìn vào cơ cấu thu nhập của ngân hàng, tổng thu nhập hoạt động cao hơn do đóng góp từ các hoạt động ngoài lãi và dịch vụ như mua bán chứng khoán, thoái vốn từ đầu tư, hoặc hoàn nhập dự phòng. Thu nhập cao cũng đến từ chi phí dự phòng thấp hơn và kết quả tích cực phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Ngành ngân hàng chính là ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán. Do đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tác động rất lớn đến cục diện chung của thị trường khi nhóm này có thể hút/xả một lượng rất lớn dòng tiền. Với đánh giá rằng, môi trường kinh doanh của ngành sẽ kém thuận lợi hơn từ nửa cuối năm 2018, ít có khả năng giá cổ phiếu ngân hàng có thể tăng trưởng tốt như giai đoạn đầu năm. NĐT vì thế nên thận trọng, đặc biệt trong những phiên tăng giá mạnh của cổ phiếu nhóm ngành này.

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận đã có sự cải thiện nhẹ, với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 9% trong khi quý I chỉ 6%. Tăng trưởng tính chung không lớn, nhưng nếu đi vào từng nhóm ngành hay từng cổ phiếu thì vẫn có điểm sáng. Cụ thể như GAS (tiện ích cộng đồng), PNJ (hàng tiêu dùng), MWG và VJC (dịch vụ tiêu dùng), REE, PVT và VSC (công nghiệp) đều hoạt động hiệu quả hơn cùng kỳ. Bên cạnh đó, 29/97 cổ phiếu phi tài chính với vốn hóa trên 1.000 tỷ đồng đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% trong nửa đầu năm 2018. Trong khi đó, đối với nhóm ngành đáng chú ý trên thị trường là nhóm ngành thép, đa số các DN thép đều có hoạt động kém trong quý II/2018, ngoại trừ HPG.

“Ngành dầu khí cũng là ngành hoạt động kém hiệu quả trong nửa đầu năm 2018 khi có KQKD kém nhất, với mức lợi nhuận sau thuế giảm hơn 91% so với cùng kỳ năm trước. Giới chuyên gia dự đoán năm 2018 sẽ là một năm tồi tệ đối với các công ty ngành này, nhưng do có một số dự án lớn mới sẽ được khởi công vào năm 2019 nên cổ phiếu dầu khí vẫn là nhóm có thể đáng xem xét” – VDSC nhận xét.

Châu Đỗ