Chuyển đổi xanh không chỉ là những cam kết chính trị
Chuyển đổi xanh đang trở thành đòi hỏi của thị trường và chủ đề nóng khi bàn về chuyện kinh doanh sản xuất hiện nay. Ảnh: TL

Chuyển đổi xanh đang trở thành chuyện “cơm áo, gạo tiền”

PV: Chủ đề chuyển đổi xanh được nhắc đến rất nhiều. Trong khi đó, tình hình kinh tế giai đoạn này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội. Vậy vai trò chuyển đổi xanh có ý nghĩa thế nào trong giai đoạn nhiều biến động này, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Giai đoạn hiện nay, thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, trắc trở, thậm chí khủng hoảng. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để buộc chúng ta thay đổi, bỏ đi những tư duy, cách làm không còn phù hợp để phát triển theo tư duy mới.

Giờ đây, kinh tế không chỉ cần tăng trưởng cao mà còn phải phát triển bao trùm, nhân văn… và một loạt những đòi hỏi mới. Đó là những đặc điểm của giai đoạn hiện nay, trong đó xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là rõ nét nhất.

Chuyển đổi xanh không chỉ là những cam kết chính trị
TS. Võ Trí Thành

Chuyển đổi số đã là điều không thể dừng lại. Chuyển đổi xanh thì không chỉ là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược, tầm nhìn quốc gia mà nó đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường và chủ đề nóng khi bàn về chuyện kinh doanh sản xuất hiện nay.

PV: Thị trường đang dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh như thế nào, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Chuyển đổi xanh ngày nay có mặt ở rất nhiều các hiệp định, các cam kết của các quốc gia, như các hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao, EVFTA (EU - Việt Nam)… Khi đã cam kết thì phải thực thi. Nhưng lớn hơn, nó đang trở thành lối sống, thành xu hướng tiêu dùng.

Chúng ta đã thấy rất nhiều thị trường đòi hỏi sản phẩm phải xanh, an toàn, nhân văn, chưa nói đến cá tính. Và xu hướng này đang rất mạnh bởi sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, của giới trẻ.

Theo xu hướng này, rất nhiều nước đòi hỏi trong quá trình sản xuất kinh doanh, cả chuỗi cung ứng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn mới chứ không chỉ thuần túy như đòi hỏi của WTO về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các mô hình kinh doanh đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu tiết kiệm nguyên vật liệu, tài nguyên, ít khí thải, tăng độ bền của sản phẩm…

PV: Để bắt kịp những đòi hỏi này, yếu tố quan trọng là gì? Tài chính xanh có ý nghĩa gì trong cuộc chuyển đổi này, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Từ các cam kết chính trị, chuyển đổi xanh đã trở thành những đòi hỏi của thị trường mà doanh nghiệp phải đáp ứng. Để làm được điều này đòi hỏi một sự chuyển đổi rất mạnh mẽ, thậm chí phải đột phá.

Tất nhiên, đây là một quá trình vô cùng gian nan. Chi phí chuyển đổi lớn, đòi hỏi rất nhiều vốn, tiền bạc. Quá trình này cũng phải làm từ trên xuống, thay đổi thể chế pháp lý, chính sách và cả từ dưới lên, thay đổi cách làm việc, tiêu dùng, sản xuất, tác động đến toàn bộ người dân, đặc biệt là doanh nghiệp. Tóm lại là một sự chuyển đổi toàn diện. Trong đó, tài chính rất quan trọng và bản thân nguồn tài chính này cũng cần phải có sự chuyển đổi, góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh. Đây chính là ý nghĩa của tài chính xanh.

Chuyển đổi xanh không chỉ là những cam kết chính trị
Ảnh minh họa

Tài chính xanh tức là các hình thức cung cấp vốn dưới nhiều hình thức khác nhau như phát hành trái phiếu, cổ phiếu, cho vay tín dụng… phải đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh. Kênh cung ứng vốn đó phải góp phần cho chuyển đổi xanh, giảm thiểu ô nhiễm, giảm thải, giảm phát thải khí nhà kính, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Tất nhiên đây là một quá trình không đơn giản vì nó còn liên quan đến nhận thức, pháp lý, và cả động lực.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của tài chính xanh ở Việt Nam?

TS. Võ Trí Thành: Việt Nam đã có những sản phẩm tài chính xanh, như trái phiếu xanh, tín dụng xanh… Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn về trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững. Ngân hàng Nhà nước cũng có những quyết định về phát triển ngân hàng xanh. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có hướng dẫn, đào tạo về cổ phiếu xanh, ESG…

Tuy nhiên, hiện nay quy mô tài chính xanh còn khá nhỏ. Ví dụ như trái phiếu xanh đã phát hành một ít, phần lớn gắn với các dự án điện mặt trời hay là tín dụng xanh chủ yếu cho vay các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Ngoài ra, số dư nợ có đánh giá rủi ro tính đến ESG cũng chiếm khoảng 20%, chủ yếu gắn với các khoản vay tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tóm lại, một bên là áp lực quốc tế, một bên là đòi hỏi của thị trường, xu hướng chuyển đổi xanh là tất yếu. Nhưng để chuyển đổi xanh, tài chính xanh thực sự có ý nghĩa như kỳ vọng thì những việc phải làm còn ngồn ngộn ở phía trước. Từ chính sách, cơ chế, tiêu chí thế nào là xanh cho đến nguồn lực ở đâu. Bên cạnh đó còn phải có sự phối hợp với các tổ chức quốc tế, hài hòa hóa các tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn và công nhận lẫn nhau về sản phẩm…

Để làm được những điều này, đòi hỏi phải rất quyết đoán, quyết liệt. Có nhiều điều mới mà cả mình và thế giới còn đang phải tìm hiểu, học hỏi để làm. Nếu không thay đổi cách thức quản trị, không tạo ra được môi trường để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, cộng với đó là một hệ thống động lực cho bộ máy thì rất khó.

PV: Xin cảm ơn ông./.

3 thách thức với Việt Nam trong chuyển đổi xanh

Theo ông Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực thi chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, những năm qua Việt Nam đã thảo luận rất nhiều về chuyển đổi xanh nhưng hành động còn ít. “Có thể chúng ta còn áp lực về cơm áo gạo tiền hằng ngày. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp thường phải lo tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận trước đã” - ông Thinh nói về trở ngại đầu tiên của quá trình chuyển đổi xanh.

Thách thức thứ hai là vấn đề nguồn lực tài chính. Đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh và bền vững.

Thách thức thứ ba là chuyển dịch lực lượng lao động. Bài toán đối với Việt Nam khi tiến hành chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là cần lực lượng lao động có tay nghề cao.