Hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử đang là vấn đề nhức nhối |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đã cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc thực hiện các giải pháp để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi luật để tăng mức phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; nhất là hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực thẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Quan điểm của bà về đề xuất này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường trong thời gian qua gây bức xúc dư luận. Đây là vấn đề nhức nhối. Trước thực trạng này, Quốc hội đã xem xét sửa đổi một số luật nhằm ngăn chặn thực trạng này.
Ví dụ, đối với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đưa vào phần trách nhiệm của những người có ảnh hưởng đối với công chúng trong việc việc đứng ra để quảng bá các sản phẩm này. Từ trước đến nay, luật chưa quy định trách nhiệm của người chuyển tải thông tin (người đứng ra quảng cáo sản phẩm).
Trên thực tế, vừa qua một số người có ảnh hưởng tới công chúng quảng cáo sản phẩm chưa được kiểm định về chất lượng, trong đó có không ít các sản phẩm kém chất lượng, hoặc hàng giả. Vì thế, việc ràng buộc trách nhiệm khiến cho những người tham gia quảng cáo phải quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm và có trách nhiệm đối với sức khỏe của cộng đồng.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Việt Nga |
Hơn nữa đối với Bộ Luật Hình sự, chúng ta cũng phải rà soát để sửa đổi một số các chế tài liên quan đến việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái.
Trong Bộ Luật Hình sự đang đề xuất sửa đổi một cách toàn diện như vừa tăng chế tài xử phạt (là hình phạt tù) và tăng chế tài xử lý (phạt tiền). Đây là động thái rất cần thiết để siết chặt các quy định của pháp luật, bởi vì tương ứng với những tội danh liên quan đến việc tác động ảnh hưởng xấu đến xã hội nói chung, cũng như sức khỏe và tính mạng của con người nói riêng thì chắc chắn phải có những hình phạt tương ứng, tương thích.
Trước tình trạng loại tội phạm dường như ngày đang gia tăng trong xã hội, thì việc điều chỉnh hình phạt để đảm bảo tính răn đe là rất cần thiết.
PV: Bà đánh giá như thế nào về trách nhiệm của cơ quan chức năng quản lý trong việc để tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Có thể thấy có hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, thậm chí có những đường dây sản xuất và tiêu thụ với số lượng rất lớn và trong thời gian rất dài thì các cơ quan chức năng mới có thể phát hiện ra.
Điều này chứng tỏ có mấy vấn đề. Thứ nhất, cần phải rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật, xem có kẽ hở pháp luật không để những nhóm tội phạm này có thể lợi dụng các kẽ hở đó để phạm tội. Chúng ta cần phải sửa đổi ngay từ thể chế, có nghĩa rà soát các quy định của pháp luật để khép chặt quy định của pháp luật.
Thứ hai, với những quy định của pháp luật đã có nhưng tại sao những nhóm sản xuất và buôn bán lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có thể tồn tại và hoạt động trong một thời gian dài, vấn đề nằm ở việc thực thi pháp luật và chúng ta cũng cần rà soát lại xem đối với việc thực thi chính sách pháp luật có được nghiêm minh hay không; có thực thi đúng những quy định của pháp luật hay không.
Việc thực thi chưa nghiêm rơi vào hai trường hợp. Trước tiên, có thể là lơ là công vụ, nghĩa là không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình, dẫn tới việc tội phạm lợi dụng để hoạt động mà không bị phát hiện. Nhưng còn một mức độ thứ hai nặng hơn nữa, đó là có sự đồng lõa, tiếp tay, đây là vấn đề vô cùng nhức nhối. |
Đến thời điểm hiện tại, thực tế cơ quan chức năng bắt giữ một số đối tượng có chức trách thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này nhưng không thực hiện nghiêm thì chứng tỏ trong lĩnh vực thực thi pháp luật cũng có một số cá nhân thực thi chưa nghiêm để tiếp tay cho hành vi này.
PV: Tìm kẽ hở trong pháp luật có thể rà soát, nhưng việc quản lý thực thi công vụ thì cần có giải pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Vấn đề thực thi công vụ nằm ở nhiều quy định khác nhau. Ví dụ những quy định liên quan đến luật viên chức; Luật cán bộ, công chức… đều có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về việc thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước, chúng ta đang xem xét để sửa đổi Luật Cán bộ công chức, trong đó cũng có quy định rất rõ.
Ví dụ, xóa bỏ khái niệm công chức trọn đời và đánh giá một cách rất nghiêm túc vấn đề thực thi công vụ của công chức. Tôi nghĩ đây cũng là những căn cứ pháp luật để nghiên cứu xem xét trong vấn đề công chức, viên chức có thực thi tốt công vụ hay không.
Chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục, đặc biệt là giáo dục về đạo đức công vụ cũng như đạo đức doanh nghiệp. Bởi vì, có rất nhiều vụ việc gần đây bị phát giác cho thấy các đối tượng (kể cả những người thực thi công vụ và đối tượng sản xuất buôn bán vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng) hoàn toàn hiểu biết về pháp luật, cũng như biết rõ những tác hại của những mặt hàng mà họ sản xuất và buôn bán tác động xấu tới người tiêu dùng như thế nào, tuy nhiên họ vẫn bất chấp để tìm kiếm lợi nhuận cao.
![]() |
Vừa qua, gần 600 loại sữa giả bị phát hiện. Ảnh: T.L |
Như vậy, vấn đề không chỉ nằm ở việc không hiểu biết pháp luật, không chỉ nằm ở việc pháp luật chưa nghiêm minh, bởi hiện nay trong số 18 tội danh có mức án tử hình được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và sửa đổi năm 2017, có tội danh sản xuất hàng giả.
Có nghĩa là hình phạt của chúng ta cũng đã khá nghiêm minh, thế nhưng tại sao các đối tượng vẫn bất chấp để phạm tội, tôi nghĩ rằng đấy chính là đạo đức. Tôi nghĩ vấn đề đạo đức công vụ, đạo đức doanh nghiệp, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa.
Hiện nay bộ môn đạo đức công vụ, đạo đức doanh nghiệp đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học, nhưng đó là một bộ môn không được quy định bắt buộc và cũng tùy theo quy định từng trường.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể chúng ta rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, vấn đề tạo mọi điều kiện để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ cá thể phát triển, nhưng sự quan tâm đó cần phải đi kèm với việc quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nghiệp, trách nhiệm đối với cộng đồng trước khi những doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nhân bắt tay vào những dự án của mình.
Nếu như chúng ta xây dựng được nền tảng đạo đức văn hóa doanh nghiệp thì sẽ có sự phát triển bền vững. Nếu chúng ta chưa quan tâm đúng mức vấn đề này thì vẫn còn có những người vì lợi nhuận mà bỏ qua tất cả quy tắc đạo đức cũng như trách nhiệm công dân của mình để chạy theo đồng tiền và tác động tới xã hội rất nguy hiểm.
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga, giữa ma trận hàng giả, hàng kém chất lượng, người dân sẽ mất niềm tin, không biết tin vào đâu khi mà những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng lớn còn cố ý hay vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, ngay cả cơ quan thực thi - tưởng là lá chắn bảo vệ người tiêu dùng thì cũng chạy theo đồng tiền - dù là một số rất ít nhưng tác hại khó lường vì nó làm tổn thương niềm tin của người dân. |